Theo Ngân hàng Nhà nước việc tăng lãi suất nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Người có tiền gửi tiết kiệm thì mừng nhưng người đi vay lại tăng nỗi lo…
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, trần huy động được nâng lên cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Đây là thời điểm “vàng” cho người gửi tiền, bởi lãi suất vẫn đang có xu hướng nhích lên.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng áp dụng nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn. Song điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của ngân hàng, qua đó có thể khiến lãi suất đầu ra – tức lãi suất cho vay, tăng theo. Tính tới nay, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên mức 13% và doanh nghiệp tầm 9%, đã tăng khoảng 2% so với đầu năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, khi lãi suất của tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng từ 5% lên 6% đồng nghĩa với lãi suất tiền gửi có thể sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng mới giúp người gửi tiền hưởng lợi nhưng tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu việc tăng lãi suất có tính hai mặt là vừa kiểm soát lạm phát nhưng cũng là gia tăng lạm phát. Cụ thể, khi lãi suất cho vay tăng thì cả doanh nghiệp và người dân đều sẽ đi vay ít hơn và tính toán hiệu quả của vốn vay.
Từ đây sẽ giảm lượng tiền đổ vào lưu thông và khi doanh nghiệp vay ít hơn dẫn đến mức độ tăng trưởng cũng chậm lại, nhờ vậy có thể kiểm soát được lạm phát. Ở chiều ngược lại, tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vốn vay ngân hàng tăng, kéo chi phí sản xuất tăng, qua đó đẩy giá thành sản phẩm tăng.
Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất điều hành sẽ tác động tới các chỉ số như “room” tín dụng (ảnh hưởng tới cung tiền); mặt bằng lãi suất tiền gửi – cho vay; tỷ giá hối đoái và các chính sách hỗ trợ lãi suất phục hồi kinh tế.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải tăng lãi suất để chống đỡ với đà tăng phi mã của lạm phát. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước muốn giữ ổn định tỉ giá USD/VND để qua đó ổn định lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng cả thế giới đồng loạt tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước không thể cưỡng lại.
“Lãi suất điều hành tăng cao dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh, song tôi vẫn hy vọng là mặt bằng lãi vay sẽ không tăng cao vì Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp can thiệp như thị trường mở, lãi suất qua đêm thấp, tạo thanh khoản….”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Ngay sau khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần cho phép. Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) nâng lãi suất tiền gửi 1-5 tháng từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1%-4,6%/năm trước đó lên 5,6%-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4%-1,5% cho các ký hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất giúp hạ nhiệt tỷ giá tạm thời nhưng sẽ kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất, đặc biệt là tại các ngân hàng vừa và nhỏ, tạo áp lực mạnh lên mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 25/10, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5% lên 1%/năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/năm.
Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5%/năm. Như vậy, chỉ trong 2 lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm năm 2014.
Theo Ngân hàng Nhà nước việc tăng lãi suất nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tổng Hợp