Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia phân tích, nâng lãi suất điều hành khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Vì vậy người có nhu cầu vay tiền đang lâm vào thế khó.
Hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng chương trình hỗ trợ trả lãi trong 6-12 tháng đầu tiên và sau đó thả nổi theo thị trường (lãi suất tham chiếu + biên độ dao động 3-5%). Trong bối cảnh hiện nay, nếu lãi suất thả nổi tăng thì cả tiền gốc và lãi khách hàng phải trả cũng sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều thách thức cho người đi vay.
Các chuyên gia cho rằng, người vay mua nhà chỉ nên dành tối đa 40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở để đảm bảo chi phí cho những nhu cầu cơ bản khác. Việc trả lãi gốc hàng tháng nếu không lên kế hoạch kỹ lưỡng và hợp lý có thể tạo ra gánh nặng tài chính và áp lực lớn cho cuộc sống.
Vào các năm trước, cuối năm luôn là thời điểm các nhà băng rầm rộ tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà. Nhưng năm nay, các ngân hàng hạn chế cấp vốn vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản trung và cao cấp. Do đó, các ngân hàng thương mại cũng không còn các gói tín dụng ưu đãi như trước đây. Vì vậy, cơ hội vay mua nhà với nhiều người thêm khó.
Bên cạnh nỗi lo làm sao để vay được tiền mua nhà thì vấn đề xoay xở trả nợ ngân hàng khi lãi suất vay mua nhà ngày càng tăng cao cũng khiến nhiều người mất ăn mất ngủ.
Đầu tháng 10, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà. Trong đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tới 3,9 điểm %, nâng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 10,59%/năm. Nhưng ngân hàng này có chính sách ưu đãi giảm trừ lãi suất vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi với từng nhóm khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng tới 1,5 điểm %, nâng lãi suất cho vay mua nhà từ 6,2%/năm lên 7,7%/năm. Tương tự, Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,8 điểm %, lên mức 7%/năm.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi vào ngày 23/9, lãi suất cho vay mua nhà tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trước đây thường đưa lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà hấp dẫn, chỉ từ 4-6%/năm giờ đã tăng lên 8-9%/năm.
Shinhan Bank từng là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất thị trường với 4,9%/năm, nhưng nay lãi vay mua nhà đã tăng lên 8,2%/năm trong năm đầu tiên, vay 36 tháng lên 8,9%/năm; vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng như UOB, Woori Bank, Hong Leong Bank hiện từ 6,49-7,92%/năm…
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện lãi vay mua nhà đã tăng lên 11-12%/năm.
Các ngân hàng đang áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà từ 4,99-10,59%/năm. Nhưng khách vay mua nhà chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi trong thời gian nhất định, thường từ 3-6 tháng vay đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, các ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ấn định ở mức cao hoặc thả nổi theo lãi suất thị trường. Trong đó, lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3-5%/năm hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng với biên độ lãi suất 3-5% tùy từng ngân hàng.
Điều này khiến lãi suất cho vay mua nhà sau thời gian ưu đãi có thể tăng lên mức cao. Nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 11-13%/năm trong các năm tiếp theo.
Đơn cử, mức lãi suất mua nhà 4,99%/năm của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm trong 6 tháng đầu, sau đó lãi suất thả nổi là 12%/năm…
Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay mua nhà cũng tăng theo.
Tổng Hợp