Ngay sau thông tin dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhu cầu quan tâm đến bất động sản của giới đầu tư tiếp tục giảm mạnh, thậm chí thị trường dường như còn xuất hiện tình trạng bán tháo cắt lỗ.
Mức độ quan tâm bất động sản sụt giảm
Sự bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19 bắt đầu từ Đà Nẵng và đang lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác như một gáo nước lạnh tạt vào thị trường bất động sản vừa gắng gượng trở lại. Mọi kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp và các sàn bất động sản gần như đảo lộn khi làn sóng tích trữ tiền mặt, rút khỏi các hoạt động đầu tư lại rục rịch diễn ra. Theo ghi nhận của phóng viên, trong tháng 7 và 8, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch bung sản phẩm ra thị trường, song trước sự bùng phát trở lại của dịch, khả năng cao là kế hoạch của nhiều doanh nghiệp sẽ bị đình hoãn.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới trải qua một đợt khó khăn, đang trở lại hoạt động thì lại tiếp tục chịu những tổn thất về nhân sự, tài chính. Nếu phải có một đợt giãn cách xã hội lần 2, thị trường bất động sản có nguy cơ “đóng băng” hoàn toàn. Cùng với đó, khách hàng có nguồn tài chính eo hẹp hơn, xu hướng tích lũy tiền mặt sẽ được ưu tiên, ảnh hưởng đến sức mua của bất động sản. Riêng nhà đầu tư, tâm lý thận trọng với việc đầu tư bất động sản sẽ khiến dòng tiền chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Diễn biến của thị trường bất động sản là một trong những chỉ báo phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hoá, nhất là đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Với vai trò là động lực phát triển, thị trường bất động sản cũng có nguy cơ gây bất ổn đối với nền kinh tế, nếu không được kiểm soát tốt.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Theo báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản tháng 7 của Batdongsan.com.vn, làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại ở Việt Nam từ ngày 25/7 và ngay lập tức tác động tới thị trường. Lượng tin đăng và mức độ quan tâm giảm trong các ngày cuối tháng. Tính chung cả tháng, mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước, người tìm kiếm ít quan tâm tới đất thổ cư hơn.
Tại Hà Nội, lượng tin đăng tăng 1% so với tháng trước nhưng mức độ quan tâm giảm 4%, giảm nhiều nhất ở phân khúc nhà biệt thự, liền kề. Trong đó, bất động sản Hà Đông được quan tâm nhất.
Mức độ quan tâm bất động sản sụt giảm mạnh khi Covid-19 bùng phát lần 2.
Tại TP.HCM, lượng tin đăng tăng 5% nhưng mức độ quan tâm giảm 7% so với tháng trước. Khu vực quận 2, quận 7 vẫn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của thị trường. Đà Nẵng, tâm dịch của cả nước, có sự sụt giảm độ quan tâm cao nhất, tới 20%.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: “Dù chịu ảnh hưởng từ dịch nhưng giá bán bất động sản sẽ không xuống do khan hàng, nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì hiện tại nhu cầu mua ở thực rất lớn. Thị trường bất động sản đang tồn tại một thực tế “vô lý” là dịch bệnh, giao dịch giảm nhưng giá không giảm”.
Phân tích thêm, ông Điệp cho hay, bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn cao điểm của đô thị hóa nên việc tăng, giảm đương nhiên sẽ xảy ra, nhất là thời điểm dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn về tâm lý. Một số người có thể muốn mua và có nhu cầu mua nhà nhưng vì sợ dịch bệnh kéo dài nên đã đình lại. Trong giai đoạn này, thị trường sẽ khó khăn hơn những tháng trước, nhưng nếu dịch qua đi, không bùng phát thì thị trường sẽ sôi động lại.
Thị trường có hiện tượng bán tháo?
Trong một báo cáo mới đây, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, khi thị trường đi xuống, đa số các nhà phát triển bất động sản đều sẽ giữ tâm lý thận trọng do không chắc chắn về thị trường, còn các nhóm hay cá nhân đầu tư sẽ khá e dè do việc mua bán tài sản hay dự án đều phải cần một nguồn vốn lớn.
Đã có không ít các đơn vị chủ đầu tư phải bán tháo bớt tài sản và những danh mục đầu tư của mình do thua lỗ trong kinh doanh.
Dù vậy, đại diện Savills cũng cho rằng, thời điểm khó khăn này có thể mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính, kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Ghi nhận ý kiến của Tổng giám đốc một công ty bất động sản, vị này cho hay, khi dịch bùng phát, mặc dù công ty vẫn đang triển khai các kế hoạch khuyến mãi, giảm giá nhưng lượng giao dịch vẫn khá chậm. Trong khi đó, nhiều khách hàng cũ không thể thanh toán tiếp được vì nhiều lý do. Một số người trong đó chấp nhận mất một phần tiền đã đóng. Theo vị Tổng giám đốc này, tỷ lệ khách trả lại nhà chiếm 4 – 5% trong dự án là con số không ít. Điều này khiến chủ đầu tư bị hụt dòng tiền.
Còn anh Nguyễn Tất Thái, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội chia sẻ: “Nếu như năm trước các nhà đầu tư mua bất động sản kỳ vọng sẽ lời 10 – 20% thì nay họ bán chỉ thu về lợi nhuận khoảng 5 – 10%, thậm chí bán hòa vốn. Thị trường hiện nay không giống như tình trạng thị trường đóng băng của những năm trước. Trong khi có người bán cắt lỗ thì cũng còn nhiều khách hàng ở những lĩnh vực khác có tiền bắt đáy”.
Thời điểm khó khăn này có thể mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính, kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Theo giới phân tích, thời gian tới thị trường bất động sản có thể sẽ sớm phục hồi, hiện tượng bán tháo cắt lỗ không nhiều, giá bất động sản sẽ đi ngang thậm chí tăng nhẹ khi dịch bệnh được đẩy lùi. Điều này được khẳng định bởi một số yếu tố:
Thứ nhất, nhu cầu thực và nhu cầu đầu tư bất động sản trong dân vẫn rất cao. Một cuộc khảo sát từ Batdongsan.com.vn với gần 15.000 người tham gia cho thấy kết quả lựa chọn các kênh đầu tư có tỷ lệ như sau: 29% chọn bất động sản, 24% chọn gửi tiết kiệm, 16% chọn vàng, 12% chọn chứng khoán và 12% chọn tiền mặt.
Thứ hai, nhà đầu tư chưa mất niềm tin vào thị trường. Dù từ năm 2019, bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc nhưng thị trường đã có những bước phát triển bền vững, bong bóng bất động sản không xuất hiện, sốt nóng cục bộ ở một vài nơi nhanh chóng được dập tắt. Thực tế, có tới 64% ý kiến tin rằng thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục vào cuối năm 2020. Niềm tin vào thị trường vẫn tốt nên nhà đầu tư sẽ có xu hướng ôm hàng giữ giá thay vì bán tháo.
Thứ ba, dịch Covid-19 là một biến cố bất ngờ và chỉ tác động trong một thời gian nhất định. Hiện tại, hoạt động giao dịch tạm trì hoãn chỉ gây khó khăn cho những người thu lợi từ dịch vụ trực tiếp, chủ yếu là lực lượng môi giới bất động sản.
Thứ tư, Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường bất động sản có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh.
Thứ năm, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi kiểm soát được dịch ở lần bùng phát đầu tiên. Do đó, khi kiểm soát được lần bùng phát thứ 2 này, kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng sẽ sớm hồi phục.
Tuệ An