Với nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao, ngân hàng cũng khó có thể đáp ứng hết do hạn chế về thanh khoản, vốn và chênh lệch kỳ hạn. Vậy nền, các công cụ mới như trái phiếu cơ sở hạ tầng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, và các công cụ có cấu trúc khác, cần được phát triển để hỗ trợ việc cho vay trong dài hạn.
Theo World Bank, các nền tảng cho tài chính dài hạn bao gồm cải thiện cơ chế định giá thông qua phát triển đường cong lãi suất. Vì thế, Việt Nam sẽ tận dụng được những động lực từ thị trường trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng vào sự phát triển của thị trường tiền tệ và tỷ giá tham chiếu ngắn hạn đáng tin cậy. Điều này sẽ củng cố đường cong lãi suất, cũng như tạo điều kiện phát triển một cách gián tiếp các công cụ đổi mới sáng tạo trên thị trường vốn.
Nhằm tạo thêm dư địa cho ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau những tác động nặng nề từ dịch Covid-19, mới đây một số ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng. Trong đó, TCB và TPB là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng mới cao nhất, lần lượt là 17,1% và 17,4%. Một số ngân hàng khác cũng được điều chỉnh room tín dụng như MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%). Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank và VietinBank cũng được nới room lên 12,5% và 9,5%.
Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020 cho thấy 41% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Hơn thế, tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn ở mức thấp, chỉ khoảng 3%/ năm. Trong một khảo sát DNNVV thực hiện bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ hội vay vốn ngân hàng của các DNNVV thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, các khoản vay dài hạn vô cùng khan hiếm khi hơn 85% các khoản vay ngân hàng phải trả trong thời hạn dưới 1 năm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi các ngân hàng tại Việt Nam thường xem thanh khoản là rủi ro chính của họ, dẫn đến hạn chế những khoản vay dài hạn. Hơn nữa, một rào cản chính đối với DNNVV là khó khăn về việc sử dụng tài sản bảo đảm để thế chấp. Các chuyên gia của World Bank chỉ ra rằng ngân hàng thương mại thường yêu cầu sử dụng bất động sản và ít chấp nhận động sản (như các khoản phải thu, hàng tồn kho) làm tài sản thế chấp.
Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – ông Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, NHNN tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm, trong đó tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm nay khi các hoạt động kinh doanh quay tái khởi động trở lại. Thực tế, ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang “nóng lòng” chờ mở cửa kinh tế, từ đó sẽ gia tăng hoạt động vay vốn, tái sản xuất – kinh doanh. Dịch bệnh đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp “đứt gãy” trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn giãn cách doanh nghiệp gần như không có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)