Câu chuyện doanh nghiệp địa ốc tha thiết xin được nộp tiền sử dụng đất không còn là chuyện lạ trên thị trường bất động sản, song điều đáng nói là nút thắt này vẫn chưa thể tháo gỡ sau nhiều năm các thành viên thị trường… kêu cứu. Nghĩa vụ tài chính bổ sung của các dự án bất động sản đã hoặc đang xây dựng vẫn là “nút thắt”
Câu chuyện doanh nghiệp địa ốc tha thiết xin được nộp tiền sử dụng đất không còn là chuyện lạ trên thị trường bất động sản, song điều đáng nói là nút thắt này vẫn chưa thể tháo gỡ sau nhiều năm các thành viên thị trường… kêu cứu.
Chẳng hạn, tại TP.HCM, sau khi nhận chuyển nhượng dự án Khu dân cư Phú Thuận (tên thương mại là Lotus Residence) tại phường Phú Thuận, quận 7 và hoàn tất các thủ tục theo quy định như phê duyệt quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở… từ năm 2015, nhưng đến nay, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn vẫn chưa thể triển khai tiếp dự án do chưa được nộp tiền sử dụng đất.
Theo đại diện doanh nghiệp này, vào thời điểm giao đất, TP.HCM chưa xác định được số tiền sử dụng đất nên chủ đầu tư chưa có cơ sở để đóng theo quy định. Hơn nữa, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đến các sở, ngành liên quan với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án… mà vẫn chưa được giải quyết.
“Dù đất đã sạch, các thủ tục đã cơ bản hoàn tất, nhưng bước cuối cùng là đóng tiền sử dụng đất để được cấp phép xây dựng thì mãi không thực hiện được, khiến dự án bị treo nhiều năm nay. Chúng tôi muốn triển khai tiếp cũng không được, muốn chuyển nhượng lại dự án cũng không xong nên bị thiệt hại rất lớn. Hiện nay, chúng tôi chỉ trông chờ vào duy nhất dự án này để có tiền duy trì hoạt động cũng như phát triển dự án khác”, ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty Anh Tuấn giãi bày.
Quá sốt ruột, Công ty Anh Tuấn đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP.HCM để báo cáo tình hình thực hiện dự án, đồng thời kiến nghị Thành phố xem xét cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án cũng như được nộp tiền sử dụng đất.
Văn phòng UBND TP.HCM cũng đã tiếp nhận và gửi văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố để rà soát, xử lý. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, các vướng mắc “vẫn đang trong quá trình giải quyết”, chủ đầu tư vẫn chưa được đóng tiền sử dụng đất để người dân có thể xây dựng nhà ở.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong hàng trăm dự án bất động sản tại TP.HCM phải ngừng triển khai nhiều năm chỉ vì chưa thể đóng tiền sử dụng đất, cho dù chủ đầu tư rất sẵn sàng đóng tiền. Bởi theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ riêng vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài đã chiếm khoảng 1/4 tổng số dự án ách tắc trên địa bàn Thành phố hiện nay. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, hơn 50% vướng mắc của các dự án triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá thị trường.
Đối với phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trước khi được miễn thì vẫn phải xác định tiền sử dụng đất và điều này làm phát sinh các thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm.
Khi chủ đầu tư không đóng được tiền sử dụng đất, dự án nằm bất động, thì quyền lợi của cả Nhà nước, chủ đầu tư và người mua cùng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, tại dự án Lotus Residence, do quá nóng ruột khi thấy tài sản bị “chôn chân” kéo dài, một nhóm khách hàng mua đất tại dự án đã kéo tới văn phòng của chủ đầu tư để căng băng rôn, đòi quyền lợi, trong khi chủ đầu tư rất muốn đóng tiền sử dụng đất để người mua triển khai xây dựng mà không được.
Thực tế, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là nguồn thu cơ bản để địa phương bổ sung vào chi cho đầu tư phát triển. Do vậy, việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất rất được địa phương quan tâm. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến quá trình thẩm định tiền sử dụng đất chậm trễ.
Tổng Hợp
(ĐTCK)