Hồi hộp chờ kết quả kinh doanh quý 3 ngân hàng, ngành ngân hàng trước áp lực chi phí đầu vào tăng nhanh hơn chi phí đầu ra…
Đã không còn quá nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với thu nhập từ lãi được duy trì ở mức ổn định và sẽ không tăng nhiều trong 2 quý cuối năm. Tuy nhiên, các nhà băng đã thích nghi bằng cách đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng thu nhập ngoài lãi. Rất nhiều ngân hàng hiện nay có thu nhập ngoài lãi cao hơn thu nhập từ cho vay. Trong bối cảnh ngành ngân hàng và hệ thống tài chính còn nhiều thách thức, điều này sẽ giúp cho các nhà băng vẫn có thể đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm nay.
Theo kết quả khảo sát của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV năm 2022 vừa được NHNN công bố, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III/2022 chưa được như kỳ vọng.
Tại kỳ điều tra này, 70,4-75,9% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2022. Về lợi nhuận trước thuế của năm nay, 88,3% TCTD dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Bên cạnh đó, vẫn có 6,8% số được khảo sát dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Như vậy, con số các tổ chức tín dụng kém lạc quan về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm đã tăng lên so với 2 kỳ khảo sát trước. Cụ thể tại kỳ điều tra tháng 4 thì chỉ có 5,8% số ngân hàng được khảo sát dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 4,9% ước tính không thay đổi.
Theo báo cáo chiến lược tháng 10 của Trung tâm phân tích thuộc công ty chứng khoán SSI (SSI Research), sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng môt loạt lãi suất điều hành, hầu hết các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất tiền gửi của nhiều nhà băng đã về lại mức trước thời điểm dịch bệnh, hoặc thậm chí cao hơn. Đối với lãi suất cho vay, đà tăng có phần chậm hơn.
Việc lãi suất đầu ra tăng chậm hơn lãi suất đầu vào đã dẫn đến nhiều lo ngại về việc biên lãi ròng (NIM) cũng như tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng sẽ bị tác động theo chiều hướng kém tích cực, từ đó kết quả kinh doanh có thể không khả quan. Về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty cổ phần FIDT nhận định, trên lý thuyết việc tăng lãi suất sẽ làm biên lợi nhuận của ngân hàng giảm vì chi phí huy động tăng lên song lại chưa thể tăng lãi suất cho vay ngay. Tuy nhiên, vừa qua các nhà băng cũng đã nâng lãi suất đầu ra để thích nghi với việc lãi suất đầu vào sẽ tăng. Vì các nhà băng đã chủ động ứng phó với vấn đề này, nên NIM của các ngân hàng trong quý 3 và quý 4 có thể sẽ không suy giảm nhiều.
Ở góc nhìn khác, ông Trần Ngọc Báu, tổng giám đốc công ty dữ liệu Wi Group dẫn số liệu từ WiGroup cho thấy, NIM trượt 12 tháng của hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức đỉnh 3,5% thiết lập vào quý III/2021 xuống còn 3,3-3,4% trong hai quý đầu năm 2022. Mặc dù NIM giữa các nhà băng có sự phân hóa, song xu hướng chung là đang chịu sức ép từ áp lực tăng lãi suất huy động.
“Với bối cảnh lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần và lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ có mức tăng chậm hơn, NIM của hệ thống ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới cũng là điều không quá khó hiểu”, ông Báu nhận định.
Tổng Hợp