Trong bối cảnh thiếu thanh khoản kéo dài từ đầu năm của thị trường tiền tệ, ngành ngân hàng sẽ khó huy động được tiền gửi nếu duy trì môi trường lãi suất thấp.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đẩy tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng niêm yết lên mức cao trong 10 năm trở lại đây, tiệm cận mức trần là 85%. Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng qua, thấp nhất trong 10 năm nay. Theo đó, tăng trưởng huy động của hệ thống tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, nới rộng khoảng cách huy động – cho vay kể từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội chia sẻ thông tin: “Bây giờ không thể sử dụng biện pháp hành chính nên Hiệp hội đứng ra kêu gọi sự đồng thuận giữa các ngân hàng, thống nhất mức lãi suất huy động để không được cao quá so với thị trường, dự kiến là 9,5%/năm”.
“Nhu cầu huy động vốn tăng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng kể từ tháng 9/2022, buộc các ngân hàng phải chuyển sang trạng thái phòng thủ, đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay.
Mới đây, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vào khoảng 15,5-16% so với cuối 2021 và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 ước tính sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng. Động thái của nhà điều hành được nhận định mang đến tin vui cho thị trường, nhưng cũng tạo thêm áp lực cho việc cân đối vốn của các ngân hàng thương mại.
“Thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động – cho vay ở mức âm”, vị giám đốc nguồn vốn trên nói, đồng thời chia sẻ thêm, điểm đáng chú ý, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung – dài hạn (SFMLL) hiện vẫn ở mức cao tại một số ngân hàng. Trong bối cảnh thiếu thanh khoản kéo dài từ đầu năm của thị trường tiền tệ, ngành ngân hàng sẽ khó huy động được tiền gửi nếu duy trì môi trường lãi suất thấp. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn ngắn hạn của các phân khúc như tín dụng cá nhân hay sản xuất tương đối thấp, còn cho vay dài hạn ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Các lãnh đạo ngân hàng có chung nhận định, trong tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất VND dự báo có xu hướng đi ngang/tăng nhẹ trên thị trường 1. Theo vị lãnh đạo BIDV, một mặt, lãi suất cũng như thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn trong tháng này chủ yếu do lượng tiền mặt ra ngoài lưu thông khi nhu cầu thanh toán có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm. Mặt khác, cân đối huy động – cho vay dự báo tiếp tục thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt sau thông tin nới thêm room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Khảo sát trên thị trường 1 (huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế) cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng trong tháng 11 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng mạnh từ 0,4-1,8%/năm tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối vẫn giữ nguyên lãi suất niêm yết sau đợt điều chỉnh tăng cuối tháng 10.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng thương mại đang niêm yết lãi suất ở mức trần 6%/năm của Ngân hàng Nhà nước. Đối với dải kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, các ngân hàng KienLongBank, Sacombank, OCB đang niêm yết lãi suất ở mức cao nhất khoảng 8,8-9%/năm và SCB, MSB… là các ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất khoảng 9,7%/năm đối với dải kỳ hạn trên 12 tháng.
Thực tế trên cho thấy lợi thế của các ngân hàng thương mại lớn trong vấn đề huy động tiền gửi. Do các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại tầm trung, nên sẽ có rào cản để các ngân hàng thương mại nhỏ có thể huy động từ thị trường tiền gửi, đặc biệt là các ngân hàng yếu hoặc chưa có sự nhận diện thương hiệu tốt.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 5/12-9/12, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết
Trạng thái thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều tiết linh hoạt thông qua hoạt động thị trường mở. Bên cạnh kỳ hạn 14 ngày thường thấy (NHNN phát hành tổng cộng 28.600 tỷ đồng, trên tổng số 53.000 tỷ đồng chào thầu ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 6%), NHNN đã phát hành thêm 9.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày với lãi suất phát hành từ 6,3% – 7%.
Việc phát hành thêm ở kỳ hạn 91 ngày cho thấy động thái cung cấp thanh khoản hệ thống dài hạn hơn, và điều này cũng thường được quan sát thấy vào giai đoạn trước Tết Nguyên Đán.
Kết tuần, NHNN bơm ròng 8.100 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng nhẹ lên 83.200 tỷ VND và khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức 40.000 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ổn định quanh 5,4% trong khi đó lãi suất các kỳ hạn trên 1 tuần được dao động từ 6,5% đến 8%. Mức chênh lệch giữa lãi suất VND và USD liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ổn định quanh vùng 150 điểm cơ bản và được đánh giá là tương đối an toàn nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Fed vào tuần này.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021 (2021: 10,8%).
Trong đó, tính theo ngành kinh tế, dư nợ tín dụng cho hoạt động thương mại dịch vụ tăng mạnh nhất (13,6%, so với mức 10,8% vào cuối tháng 9 và 9,6% cùng kỳ năm ngoái), tương đồng với sự hồi phục của lĩnh vực dịch vụ sau Covid. Lĩnh vực nông, lâm thủy sản và sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn, ở 7,9% và 7,93%.
Trong tuần trước, NHNN đã quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng tín dụng, với mức trung bình từ 1,5-2% cho các NHTM với mục tiêu tăng thêm hạn mức TCTD để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực đang cấp thiết có nhu cầu trong nền kinh tế.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Người Quan Sát)