Nhìn chung, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức như giá vật liệu tăng làm tăng giá nhà ở, dòng vốn ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản bị kiểm soát chặt, lãi suất cho vay cũng trong xu hướng tăng, ảnh hưởng đến sức cầu trên thị trường bất động sản.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng đầu cơ nhà đất diễn ra ở nhiều địa phương, giá thị trường nhà ở chưa hướng tới người mua cuối cùng.
Một thị trường chưa hướng đến người mua cuối cùng thì không thể bền vững, do đó cần những giải pháp tăng quỹ đất, đặc biệt cho các dự án bình dân, hỗ trợ người mua có nhu cầu ở thực, cũng như xây dựng quy trình đấu giá đất công minh bạch để hạn chế đầu cơ.
Các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp tăng quỹ đất sạch để tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng, giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, tăng nguồn cung cho phân khúc nhà ở bình dân đáp ứng nhu cầu thực của người mua nhà để ở, từ đó kiểm soát được nguy cơ dẫn đến bong bóng bất động sản.
Ngoài ra, cần bổ sung quỹ đất khu trung tâm cho phát triển dự án nhà ở và triển khai đúng hạn các dự án hạ tầng giao thông để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị.
Liên quan đến câu chuyện nguồn vốn từ ngân hàng bị siết, theo tôi, bất kỳ chủ đầu tư nào cũng có sự chuẩn bị, đặc biệt là cấu trúc vốn và nguồn vốn, để đảm bảo việc phát triển dự án của mình. Tuy nhiên, pháp lý dự án mới là vướng mắc lớn nhất hiện nay, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, kể cả từ nhà đầu tư ngoại.
Theo quan sát của tôi, hiện vẫn đang có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã có hướng đi mới bằng việc hợp tác với các đối tác này để giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định hơn. Song, những vướng mắc liên quan đến pháp lý đã làm chậm quá trình này, gây khó khăn trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Vấn đề tiếp theo, các chủ đầu tư cần tập trung hơn vào kênh thu nhập chính và dài hạn là các kênh bán hàng và từ người mua nhà, nhưng để làm được điều này thì doanh nghiệp phải đảm bảo dự án đủ điều kiện bán hàng.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận đa dạng nguồn vốn. Đây được xem là kênh tiếp cận khách hàng nhanh nhất, xu hướng hiện nay là “nhanh thắng chậm”, chứ không phải “lớn thắng nhỏ” như trước nữa. Do đó, chủ đầu tư nào nhanh, chắc và bền bỉ sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ khi khó khăn qua đi.
Chưa kể, các doanh nghiệp ngành này còn đối mặt với áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm nay, trong khi hoạt động phát hành mới gặp nhiều trở ngại do cơ quan quản lý siết lại quản lý và tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa ốc sau hàng loạt vụ việc sai phạm bị xử lý hồi đầu năm nay.
Ở góc độ dài hạn, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, ít sử dụng đòn bẩy tài chính, quỹ đất lớn… sẽ có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, các chủ đầu tư sẽ phải tái cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngược lại, những công ty nguồn lực hạn hẹp, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn dự báo sẽ gặp nhiều rủi ro.
Mặc dù mức độ quan tâm đến bất động sản có sự sụt giảm tại nhiều địa phương trong 3 tháng gần đây, nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giảm giá, bởi ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn.
Hơn nữa, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới giá bất động sản là nhu cầu thị trường. Hiện tại, 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Tốc độ đô thị hóa từ 2 đô thị lớn nhất cả nước này vẫn cao nên nhu cầu về nhà vẫn rất lớn. Thị trường bất động sản thời điểm hiện tại được ví như đang “vào cua”, có nhiều doanh nghiệp đi xuống và cũng có nhiều doanh nghiệp đi lên.
Tổng Hợp