Với khối nhân thọ, phí khai thác mới liên tục giảm sút đã tác động đến tổng doanh thu. Thị trường bảo hiểm đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, chỉ tăng 2,55% và lĩnh vực nhân thọ gần như không tăng trưởng, ước đạt 52.049 tỷ đồng (tăng 0,5%).
Với khối nhân thọ, phí khai thác mới liên tục giảm sút đã tác động đến tổng doanh thu. Tiếp đà giảm từ quý I/2023, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong tháng 4/2023 giảm 48%, trong đó kênh đại lý giảm 34%, bancassurance (khai thác bảo hiểm qua ngân hàng) giảm 61% và các kênh khác giảm 17%. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, doanh thu khai thác mới của khối này giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kênh đại lý giảm 21%, bancassurance giảm 38% và các kênh khác giảm 16% (theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm).
Nguyên nhân chính khiến hoạt động khai thác khách hàng mới của khối nhân thọ giảm được chỉ ra là do ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa diễn ra, bên cạnh một số yếu tố vĩ mô khác như nền kinh tế chưa khởi sắc, khách hàng khó khăn về kinh tế làm giảm nhu cầu bảo hiểm… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhân thọ xác định khó khăn sẽ chưa sớm qua ít nhất là trong quý II/2023 và có thể vẫn là một quý tăng trưởng âm.
Trong kinh tế vĩ mô cũng như trong kinh doanh, 2 quý liên tiếp suy giảm được coi là hiện tượng “suy thoái”. Trước đó, theo số liệu thống kê chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong quý I/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 3 tháng đầu năm nay giảm tới hơn 22%, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Tại khối phi nhân thọ, dù không chịu tác động quá lớn bởi cuộc khủng hoảng, nhưng tình hình kinh tế vĩ mô không nhiều khả quan cũng khiến doanh thu phí của khối này tăng thấp như thống kê ở trên.
Không như các doanh nghiệp nhân thọ cập nhật doanh thu theo tháng, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ thường tổng hợp doanh thu theo quý nên công bố chậm hơn. Theo số liệu cập nhật đầy đủ của các doanh nghiệp phi nhân thọ, doanh thu quý I/2023 của khối này không khả quan như báo cáo sơ bộ Tổng cục Thống kê công bố trước đó, khi tính đến hết ngày 31/3/2023 chỉ tăng trưởng 2,8% và nhiều nghiệp vụ mang lại doanh thu cao tăng trưởng âm.
Chẳng hạn như bảo hiểm xe cơ giới, nghiệp vụ đang chiếm gần 26% thị phần trong tổng doanh thu các nghiệp vụ, doanh thu 3 tháng đầu năm 2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với lượng xe ô tô mới bán ra chậm, nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ hạn chế các chính sách giảm phí riêng lẻ, đồng thời thắt chặt hơn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm… là những nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới giảm trong quý đầu năm nay.
Đơn cử, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) – hãng bảo hiểm có thị phần lớn nhất nhì thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh thu nghiệp vụ này ước giảm hơn 10% trong quý I/2023. Một doanh nghiệp cũng nằm trong tốp đầu là Bảo hiểm Bảo Việt cũng ghi nhận mức giảm tương tự. Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) hay Bảo hiểm BDV (BIC) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng nhưng chỉ ở mức dưới 10%…
Hay với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn chiếm hơn 30% thị phần trong tổng doanh thu cũng chỉ tăng 5% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển giảm hơn 6%; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển giảm 6,1%; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng (thuộc nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm) giảm tới 47,5%…
“Hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh nên nhiều nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực này cũng không bán được”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Thống kê của các doanh nghiệp khối phi nhân thọ cho thấy, tính đến ngày 31/3/2023, trong tổng số 31 doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 12 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm. Riêng với Top 3, con số doanh thu cũng không khả quan, cụ thể: PTI giảm hơn 18%, còn Bảo hiểm PVI và Bảo Việt gần như đi ngang.
Theo thống kê, sau 2 năm 2019-2020 chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ở Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 1,7%. Thế nhưng, sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2022 đã phục hồi nhanh chóng với mức tăng 16,2% và riêng mảng phi nhân thọ tăng 17,3%.
Bước sang năm 2023, doanh nghiệp khối phi nhân thọ từng kỳ vọng doanh thu phí các nghiệp vụ mũi nhọn là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe tiếp tục tăng trưởng tốt, còn các nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm trách nhiệm… sẽ hồi phục trở lại nhờ các dự án đầu tư công trọng điểm được thúc đẩy triển khai.
Tuy nhiên, với những yếu tố vĩ mô khó lường cả trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2023…, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được cho là khó có thể khởi sắc và doanh thu phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm phần nào phản ánh điều này. Chính vì thế, các doanh nghiệp phi nhân thọ tiếp tục duy trì chiến lược kinh doanh thận trọng như cắt giảm hoa hồng tái bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm và điều kiện điều khoản hợp đồng chặt chẽ hơn…
Đó là kế hoạch trước mắt trong bối cảnh nền kinh tế biến động, còn trong dài hạn, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều dư địa khai thác. Được biết, quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện mới đạt gần 3 tỷ USD, chiếm khoảng 0,7% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thường ở mức trên 2%.
Cơ hội phát triển trong dài hạn vẫn rộng mở, cùng với sự cộng hưởng từ tăng trưởng công nghệ bảo hiểm số (Insurtech) được dự báo sẽ giúp lĩnh vực phi nhân thọ tăng trưởng đột phá hơn trong tương lai, đồng thời dần thay đổi sự tương tác giữa công ty bảo hiểm và khách hàng theo hướng nhanh chóng, thuận tiện và thân thiện hơn.
Đối với khối nhân thọ, không chỉ lo xây dựng lại niềm tin trên thị trường, các doanh nghiệp khối này cũng phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ đầu năm 2023 sẽ siết chặt hơn các quy định nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do đó, khó khăn có thể sẽ kéo dài hơn.
Tuy nhiên, cũng như thị trường phi nhân thọ, ở tầm nhìn dài hạn, thị trường nhân thọ Việt Nam vẫn là thị trường rộng lớn, nhiều cơ hội phát triển khi mới có khoảng 11% dân số trên tổng số 100 triệu dân tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Tổng Hợp
(ĐTCK)