Số tăng thu từ giá xăng dầu cao rõ ràng không thể bù đắp so với mức giảm thu từ thuế bảo vệ môi trường. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022 ngày 4/7 tại Hà Nội. Ngân sách tăng thu hơn 9.000 tỷ đồng nhờ giá xăng dầu neo đỉnh…
Ngày 1 tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Mức giảm tối đa 2.000 đồng/ lít xăng dầu được cho là không đủ bù đắp cho chu kỳ tăng 7 lần liên tiếp liền ngay sau đó.
Số tăng thu từ giá xăng dầu cao rõ ràng không thể bù đắp so với mức giảm thu từ thuế bảo vệ môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính: Việc tăng thu này thấp hơn khá nhiều so với mức giảm thu ngân sách do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1/4 và dự kiến giảm về “mức sàn” của thuế này từ 1/8 tới là hơn 32.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ có nhiều giải pháp để kìm hãm mức tăng giá xăng dầu để tránh tác động của nó đến đời sống người dân, doanh nghiệp.
Về đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Chi cho biết Chính phủ đã thông qua việc giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu. Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính đã ký tờ trình với Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh giảm thêm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm.
Cụ thể, thuế này với xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống mức sàn là 1.000 đồng/lít. Các loại dầu, mỡ khác giảm 300-700 đồng/lít. Riêng mức thuế với dầu hỏa giữ nguyên 300 đồng/lít do đây là mức sàn trong khung thuế.
“Thẩm quyền Ủy ban thường vụ Quốc Hội chỉ quyết được ở mức sàn”, ông nhấn mạnh. Tính đến hết ngày 21/6, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp, mức tăng cao nhất là loại xăng RON 92 với trên 5.100 đồng/ lít. Mức tăng kỷ lục kể từ năm 2008 cho đến nay.
Bên cạnh giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ chủ động các giải pháp khác như thuế nhập khẩu MFN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo số liệu cập nhật trước 15h hôm 1/7, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại một số doanh nghiệp tiếp tục âm, như Petrolimex âm quỹ gần 149 tỷ đồng.
Hiện số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn lại ít, nên việc trích lập lại vào quỹ với một số loại xăng, dầu nhằm khôi phục lại số dư quỹ và có dư địa điều hành giá tới đây khi thị trường còn bất ổn.
Trước đó, giá xăng đã tăng lên gần 33.000 đồng/lít từ 15h hôm 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng/lít.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành giá.
Giá các mặt hàng dầu thời điểm đó cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Đợt tăng giá này khi đó là lần thứ 7 tính từ ngày 21/4 đến 21/6. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.
Cơ quan chức năng cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, việc giá xăng dầu có thể giảm liên tiếp trong thời gian tới rất khó xảy ra. Nguy cơ giá xăng dầu tiếp tục giữ mức giá cao từ nay đến cuối năm đang tạo áp lực rất lớn đối với việc kiểm soát lạm phát và đời sống người dân khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao.
Ngày 3/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và sẵn sàng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong ngày hôm nay 4/7.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.
Tổng Hợp