Dù gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao nhờ tích cực cắt giảm chi phí. Không còn mức lãi khủng như những năm trước, nhưng lợi nhuận quý II của các ngân hàng thương mại vẫn tăng.
Nhờ giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận của VPBank vẫn tăng so với cùng kỳ.
Theo báo cáo mới nhất từ các ngân hàng, chi phí hoạt động đều được các ngân hàng cắt giảm đáng kể. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 23%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB) giảm 8%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm 14%… Các ngân hàng cũng điều chỉnh mức lương, thưởng cho người lao động, với mức giảm 10-30% so với trước.
Mới đây, hàng loạt ngân hàng công bố lợi nhuận quý II cho thấy bức tranh khá lạc quan của hoạt động ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) tăng 40%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng 39%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng 30%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) tăng 30%…
Với VPBank, dù thu nhập lãi thuần tăng thấp, chỉ còn 4%, lãi từ hoạt động phi tín dụng giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng nhờ giảm 17% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 6.430 tỷ đồng để xóa nợ xấu hiện hữu.
Tại VIB, với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30%. Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, ông Đặng Khắc Vỹ cho rằng, nhu cầu của các sản phẩm như mua nhà, ô tô ít bị ảnh hưởng, vì đó là các nhu cầu thiết yếu, nên kênh cho vay này cũng mang lại lợi nhuận cho VIB. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều ra sức tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt từ bán chéo bảo hiểm.
Mặc dù các ngân hàng thu được lợi nhuận không nhỏ, nhưng nhiều người lại lo ngại về nợ xấu có thể phát sinh khiến lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), bà Nguyễn Thị Phượng, các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, “bào mòn” lợi nhuận của ngân hàng. Kết quả kinh doanh của hai quý đầu năm vì thế chưa thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên ngành ngân hàng.
Theo các chuyên gia, kết quả hoạt động 6 tháng của ngân hàng chưa phản ánh hết tác động của dịch Covid-19 mà có thể vẫn có độ trễ. Thế nhưng, với hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro, cũng như tiết kiệm chi phí hoạt động, các ngân hàng sẽ có cơ hội đạt lợi nhuận khả quan trong những tháng tới.