Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý của các ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 cho thấy, các ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra”, nhiều kỷ lục lợi nhuận được xác lập trong 9 tháng đầu năm dù dịch bệnh kéo dài…
Trong tương lai khi các ngân hàng không được tiếp tục cơ cấu nợ, nợ xấu lộ diện và tất cả ngân hàng quay trở lại trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, từ đó làm giảm lợi nhuận và giá chứng khoán sẽ tụt xuống.
Trong nhóm “tứ mã ngân hàng”, hiện đã có Techcombank, ACB và MB đã công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, Techcombank tiếp tục gây ấn tượng với nhà đầu tư khi đạt kỷ lục hơn 17.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng mạnh tới 60%.
MB cũng không làm nhà đầu tư thất vọng khi vẫn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng lên tới 46%, lần đầu tiên vượt báo lãi trước thuế gần 12.000 tỷ đồng. Mặc dù nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm, ACB buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro 300% so với cùng kỳ, song ngân hàng của Chủ tịch Trần Hùng Huy vẫn báo lãi trước thuế gần 9.000 tỷ đồng, tăng 40%.
Nhóm “big four” ngân hàng gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay Agribank chưa công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng nhiều khả năng vẫn ghi điểm, bởi đây vẫn là khối dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận trên thị trường ngân hàng từ trước đến nay.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB), SeaBank (SSB) và PGBank đều tăng trưởng từ 108% – 180% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm 2020. Một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian gần đây là Ngân hàng TMCP An Bình (ABB), ABB báo lãi trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 78,9% kế hoạch năm.
Tăng mạnh nhất là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã: NVB) với mức tăng lên tới 619%, đạt 205,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. KienlongBank báo lãi trước thuế 878 tỷ đồng, tăng 510% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là VietABank (VAB), lợi nhuận trước thuế cũng tăng tới 213% lên 522 tỷ đồng trong 9 tháng.
Trong bối cảnh vốn đầu ra cho vay hạn chế, các ngân hàng đẩy mạnh nguồn vốn qua các kênh đầu tư khác nhằm tối ưu hóa lượng vốn dư thừa; trong đó, chứng khoán đầu tư là một cấu phần quan trọng. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá…, trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)