Nửa đầu năm 2020 do tình hình dịch Covid-19 tác động, nhằm hỗ trợ thanh khoản, các ngân hàng tăng rút tiền khỏi nhau, giảm lượng tiền mặt gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Kho bạc Nhà nước cũng rút mạnh tiền ra khỏi các nhà băng.
Hồi quý 1 đã chứng kiến sự sụt giảm tiền gửi tại NHNN của các ngân hàng so với đầu năm, đến nay, tại thời điểm cuối quý 2 tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.
Tổng lượng tiền gửi của 26 ngân hàng tại NHNN vào thời điểm cuối quý 2 đạt 238,251 tỷ đồng, giảm 26% so với đầu năm. Trong đó, có đến 17/26 ngân hàng giảm lượng tiền gửi tại NHNN, đa số đều giảm trên 25%, có ngân hàng còn giảm trên 70% như Techcombank (TCB, -81%), LPB (-79%), VPBank (VPB, -72%) và ABBank (-70%).
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ảnh hưởng lên cả hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, lượng tiền gửi khách hàng còn tăng thấp hơn cả cho vay, thậm chí là sụt giảm so với đầu năm như MB (-6%), Eximbank (EIB, -11%). Do đó, đây có thể là nguyên nhân mà các ngân hàng rút tiền gửi tại NHNN và các TCTD khác về nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản trước mắt.
Lượng tiền gửi và cho vay tại TCTD khác cũng giảm mạnh, thống kê từ VietstockFinance, có đến 16/26 sụt giảm lượng tiền này. Trong đó, HDBank (HDB, -77%) và Vietcombank (VCB, -53%) rút tiền về nhiều nhất.
Nửa đầu năm này, không chỉ chứng kiến các nhà băng rút tiền khỏi NHNN mà Kho bạc Nhà nước cũng mạnh tay rút tiền ra khỏi các NHTM quốc doanh.
Về bản chất, tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng (chủ yếu là ngân hàng TMCP quốc doanh) là tiền gửi thanh toán, Kho bạc Nhà nước gửi tại các NHTM để phục vụ hoạt động chi tiêu của Chính phủ, chính quyền địa phương… Khoản tiền gửi Kho bạc này có tính chất linh hoạt rất cao, không kỳ hạn, do đó lợi ích chủ yếu mang lại trong vai trò là đơn vị làm dịch vụ thanh toán cho Kho bạc Nhà nước.
Tính đến 30/06/2020, tổng lượng tiền gửi Kho bạc tại 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV gần 57,378 tỷ đồng, giảm đến 77% so với con số gần 246,115 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, Vietcombank giảm mạnh nhất (-99%) chỉ còn hơn 992 tỷ đồng, BIDV (-84%) chỉ còn 14,297 tỷ đồng và VietinBank (-38%) còn 42,088 tỷ đồng.
Việc số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng giảm mạnh có thể hiểu là do hiệu lực của Thông tư 58/2019/TT-BTC từ ngày 01/11/2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại NHNN và các NHTM, quy định Việt Nam chính thức áp dụng tài khoản duy nhất của Kho bạc mở đặt tại Sở giao dịch NHNN.
Tuy nhiên, Thông tư 58 không yêu cầu tất cả tiền gửi của Kho bạc tại các ngân hàng phải chuyển về tài khoản NHNN ngay, mà có thể chờ đến khi đáo hạn với những khoản tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, đến cuối tháng 6, vẫn còn hơn 57,000 tỷ đồng tại 3 ngân hàng trên.
Tiền vay NHNN tại các ngân hàng cũng giảm kéo theo khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm mạnh như Vietcombank (-89%), BIDV (-70%), VietinBank (-37%), Sacombank (-22%)…
Trước đó, trong đánh giá và khuyến nghị về tác động của dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực Ngân hàng được đưa ra hồi tháng 5, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng thanh khoản ngành ngân hàng sẽ được duy trì ổn định trong quý 2/2020 do nhu cầu tín dụng thấp kể từ Tết Nguyên đán và lượng tiền mặt dồi dào trong hệ thống ngân hàng trước khi Covid-19 bùng phát.
World Bank cho rằng một biện pháp khôn ngoan và cần thiết đối với cơ quan quản lý tiền tệ là xây dựng kế hoạch cho tình huống mà các tác động kinh tế của đại dịch vẫn tiếp tục sau quý 2.
Ngoài ra, NHNN sẽ cần tiếp tục theo dõi tình hình thanh khoản và có thể phải theo đuổi các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa thông qua cắt giảm lãi suất, giảm hút vốn ròng bằng tiền đồng ra khỏi thị trường, hoặc xem xét bơm thanh khoản vào nền kinh tế để hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nếu tình hình cần cấp tín dụng kéo dài hơn và dẫn đến khủng hoảng thanh khoản cho các ngân hàng.
Cát Lam