Các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, VIB, ACB… tiếp tục cho thấy tốc độ bứt phá mạnh mẽ với quy mô thị phần được mở rộng, nhờ đó kết quả kinh doanh cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trong khi các ngân hàng tư nhân kể trên đã đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn (CAR), thì nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn đang loay hoay với “bài toán” này. Thiếu vốn là một trong những lý do chính khiến ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động cho vay, thậm chí thị phần bị co hẹp.
Tỷ lệ CAR trái ngược
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến tháng 11/2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) toàn hệ thống ở mức 12,21%, tăng so với mức 12,02% vào cuối tháng 9. Trong đó, CAR của ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 10,55%, thấp nhất hệ thống dù cải thiện so với mức 9,78% cuối tháng 9. Ngân hàng thương mại cổ phần có CAR đạt 10,63%, giảm so với mức 10,81% cuối quý III. Theo sau là ngân hàng HTX và công ty tài chính, lần lượt là 17,79% và 19,02%.
Hiện có 18 ngân hàng tại Việt Nam đã được chấp thuận áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41, gồm 2 ngân hàng ngoại và 16 ngân hàng nội: Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Viet Capital Bank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng này đảm bảo được quy định tối thiểu về CAR ở mức 8%. Chẳng hạn, Techcombank là 16,6%, VPBank: 11,1%, HDBank và MB: 11%, ACB: 10,9%, MSB: 10,25%…
Tại các ngân hàng có vốn nhà nước, nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II thì CAR của Agribank thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%, đến 31/3/2020 chỉ đạt 6,9%. Với VietinBank, hệ số CAR vào cuối năm 2019 tính theo Thông tư 36 chỉ ở mức 9,25%, chưa kể nếu tính theo Thông tư 41 thì còn bị giảm đi rất nhiều.
Trong khi đó, nỗ lực tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư và phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 đã giúp Vietcombank và BIDV bổ sung được lượng vốn khá lớn. Hiện, CAR của Vietcombank là 9,5%, BIDV đạt 10,7%.
Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng của Vietcombank và BIDV thì lượng vốn tăng này vẫn chưa thấm vào đâu, dẫn đến tăng trưởng tín dụng sẽ bị hạn chế.
Điều đó đồng nghĩa với việc thị phần của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có nguy cơ bị thu hẹp lại.
Một chuyên gia đánh giá: “Khó tăng vốn, tăng trưởng và quy mô cho vay có giới hạn, theo các yêu cầu cân đối các chỉ số an toàn hoạt động. Thị phần cho vay của khối ngân hàng quốc doanh theo đó bị hạn chế nhất định.
Trong kinh doanh, khó khăn của doanh nghiệp hoặc của khối này là cơ hội cho doanh nghiệp hoặc khối khác. Đó là tự nhiên lạnh lùng của thị trường. Nhưng nắm bắt được cơ hội hay không còn tùy thuộc vào điều kiện nội tại”.
Cơ hội gia tăng tín dụng
Trong quý I/2020, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần không ngừng tăng, điển hình như trường hợp của Techcombank. Tính đến hết quý I/2020, tổng tài sản của Techcombank đạt 391,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,1% so với thời điểm cuối năm 2019.
Tương tự, MB cũng đang trong cuộc chạy đua nước rút với tổng tài sản đạt gần 407.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2020…
Nhìn vào bức tranh tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng có thể thấy tín dụng những tháng đầu năm nay tăng rất chậm một phần chính cũng do lực đẩy hạn chế và suy giảm ở những thành viên trong nhóm “Big 4” – nhóm có dư nợ tín dụng chiếm trên dưới 50% toàn hệ thống ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng đã đáp ứng chuẩn Basel II có ưu thế hơn trong việc được cấp hạn mức tín dụng. NHNN dự kiến sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành cho nhóm này khi hệ số CAR được đảm bảo.
Với quy định trên, cơ hội chiếm “miếng bánh” thị phần to hơn lại mở ra đối với nhóm ngân hàng tư nhân đáp ứng được yêu cầu về CAR.
Trong đó, nhóm ngân hàng tư nhân có nhiều cơ hội gia tăng tín dụng nhờ trần hệ số huy động/cho vay (LDR) được tăng từ 80% lên 85% và nhóm này sẽ tối ưu hóa hiệu quả bằng việc phân bổ lại tài sản theo quy định của Basel II nhằm gia tăng lợi nhuận trong điều kiện khó nâng vốn.
Có thể thấy, thời gian qua, các ngân hàng thuộc nhóm tư nhân đã liên tục mở rộng thị phần, với mục tiêu tập trung tăng trưởng tín dụng tiêu dùng (cá nhân) nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng chưa đáp ứng CAR được dự báo sẽ hụt hơi trong cuộc đua khi NHNN tiếp tục yêu cầu giảm tăng trưởng tín dụng nếu như không tăng được vốn.