So với tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 này đã giảm mạnh. Trên thị trường, khảo sát biểu lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng ngày 7/5 cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động…
Mức lãi suất huy động niêm yết cao nhất quanh 8%/năm, được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần lớn áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường: 7,2%/năm gửi tại quầy. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 – 5,9%/năm.
Các ngân hàng tư nhân có thị phần nhỏ hơn nữa cũng đang giảm đáng kể lãi suất huy động so với cách đây một tháng. Trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 9%/năm hầu như rất hiếm hoi. Tại kỳ hạn 12 tháng, BACABANK lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3%; KienlongBank cũng giảm lãi suất huy động từ 8,5% xuống 8,2%; SaigonBank giảm từ 8,3% xuống 8%…
Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. Hồi cuối năm 2022, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Mới đây, 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Cuối tuần qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất (huy động, cho vay) sau nhiều thúc giục từ cơ quan quản lý. “Tới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”, ông nói.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng từ cuối tháng 3 neo ở mức cao quanh 8-9%/năm. Với mức đầu vào này, lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến 10-12%/năm, có nhà băng kéo lên 13-14%. Lãi suất cho vay cao tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua yếu.
Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Tính đến cuối tháng 02/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).
Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái…). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.
Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, NSTT)