Các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất huy động thêm tối đa khoảng 0,5 điểm % …
Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5 điểm % lãi suất huy động so với bảng lãi suất hiện hành. Mức giảm lãi suất sẽ áp dụng đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm lãi suất vào khoảng 0,2 điểm % so với mức lãi suất hiện hành.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), xác nhận thông tin này và cho biết sự đồng thuận được các ngân hàng thương mại thống nhất tại một cuộc họp gần đây nhằm hạ chi phí đầu vào và có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Quan trọng, việc đồng thuận nhằm kéo mặt bằng lãi suất đi xuống để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chia sẻ tại buổi đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp do UBND TP HCM tổ chức ngày 28-2, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cũng cho hay từ ngày 6-3, lãi suất huy động sẽ giảm theo cam kết của nhiều ngân hàng thương mại. Cách đây 3 tuần, OCB cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp.
Đến ngày hôm nay (1-3), OCB đã thay biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy của ngân hàng này là 9%/năm cho kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng; gửi tiết kiệm online cao nhất là 9,3% năm cùng các kỳ hạn trên. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm giảm tối đa 0,5 điểm %.
Đây là lần thứ 2 các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, các ngân hàng đã từng đồng thuận để kéo lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm bao gồm cả khuyến mại, ưu đãi.
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay ở mức cao thời gian qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn vì áp lực chi phí lãi vay tăng. Nhiều doanh nghiệp bị ăn mòn lợi nhuận vì “lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả lãi vay ngân hàng”. Do đó, giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này.
Cập nhật bảng lãi suất huy động đầu ngày 2/3 cho thấy, lãi suất cao nhất đối với các khoản tiền gửi nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) hiện nay là 9,5%/năm. Trong khi đối với các khoản tiền gửi lớn trên 500 tỷ đồng, lãi suất có thể lên trên 10%/năm.
Theo biểu lãi suất niêm yết, đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, những ngân hàng có lãi suất ở mức 9,5%/năm hoặc xấp xỉ 9,5%/năm hiện nay có thể kể đến DongABank, MSB, VietABank, PVComBank, BacABank, NamABank, Kienlongbank, NCB, SCB, BaoVietBank. Ngoài ra, VPBank cũng có lãi suất cao nhất 9,5%/năm, tuy nhiên kèm điều kiện gửi kỳ hạn từ 18 tháng, khách hàng ưu tiên và số tiền gửi từ 10 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng có lãi suất ở kỳ hạn từ 12 tháng đạt 9-9,3%/năm có OCB, VietCapitalBank, ABBank, GPBank.
Vùng lãi suất 8,5-9%/năm là vùng có nhiều ngân hàng tư nhân lớn niêm yết nhất hiện nay, có thể kể đến Techcombank, Sacombank, VIB, SHB, MB…
Các ngân hàng Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) vẫn ở nhóm thấp nhất, chỉ 7,4%/năm cho hình thức gửi ở quầy, và có thể được cộng thêm để lên 8,2-8,7%/năm cho hình thức gửi online hoặc được áp dụng ưu đãi riêng.
Tại kỳ hạn 6 tháng, hiện chỉ còn ít ngân hàng có lãi suất trên 9%/năm, gồm Kienlongbank, BaoVietBank, BacABank, VietABank, NCB, DongABank, PVComBank, SCB, NamABank. Nhiều ngân hàng như OCB, Saigonbank đã điều chỉnh xuống dưới 9%/năm.
Những ngân hàng còn lại, đa số niêm yết ở quanh mức 8,5%/năm. Ngoại trừ nhóm Big 4 có lãi suất chỉ 6-6,1%/năm (đối với gửi tại quầy).
Lãi suất kỳ hạn 3 tháng đang áp dụng mức trần 6%/năm. Hầu hết các ngân hàng đều niêm yết ở mức tối đa này. Tuy nhiên cũng có một vài nhà băng áp dụng mức thấp hơn, chẳng hạn OCB và TPBank là 5,95%/năm, NamABank 5,9%/năm, Big 4 cùng là 5,4%/năm.
Đáng chú ý, một số nguồn tin cho biết, trong cuộc họp mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng thuận với nhau sẽ giảm lãi suất huy động thêm tối đa khoảng 0,5%/năm. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành. Biểu lãi suất mới sẽ được hàng loạt ngân hàng công bố trong thời gian một vài tuần tới. Đây là động thái nhằm hạ chi phí đầu vào, có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Tổng Hợp
(Người Lao Động, Nhịp Sống Thị Trường)