Sau năm 2022 với hiện tượng lãi suất tăng trên mọi mặt trận, tình trạng cạn room tại các ngân hàng, giải ngân nhỏ giọt,… Ngân hàng thừa tiền trong khi nền kinh tế thiếu tiền.
Bối cảnh năm 2023 của ngành ngân hàng lại là một bức tranh trái ngược khi ngay từ đầu năm tín dụng đã tăng rất chậm mặc dù lãi suất có xu hướng giảm.
Tính tới tháng 6, tăng trưởng toàn hệ thống đạt 4,7%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm trước, thậm chí tới tháng 7, tăng trưởng tín dụng còn bị thụt lùi so với tháng trước (chỉ đạt 4,56%).
Tình trạng tăng trưởng tín dụng nhỏ giọt thể hiện khả năng hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế. Chia sẻ tại buổi họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng vào đầu tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”.
Ông Tú chia sẻ hiện NHNN và toàn ngành ngân hàng đã liên tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thủ tục,… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, “không muốn vay”. Đây là vấn đề rất khó! – ông nói.
“Khá lâu rồi Việt Nam mới xuất hiện tình trạng ‘ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn’ như hiện nay”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định.
Lý giải về nghịch lý này, ông Vũ Đình Ánh chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên là về lãi suất, vào tháng 9, 10/2022, Việt Nam có hai lần tăng lãi suất điều hành, mỗi lần tăng 1% khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên mức rất cao từ 10 -12%/năm, thậm chí có một số hợp đồng tín dụng lên trên mức 12%/năm.
Thứ hai là vấn đề tiêu thụ hàng hoá. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 liên tiếp tăng trưởng âm, thậm chí âm trên 10%, trong khi xuất khẩu chiếm tới gần 100% GDP . Điều này sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp tới các doanh nghiệp liên quan, thông qua đó tác động tới nền kinh tế.
Thứ ba, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì họ thiếu các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, cho dù họ có thể chấp nhận mức lãi suất tương đối cao. Ví dụ, liên quan tới tài sản đảm bảo để vay vốn, trải qua mấy năm dịch khó doanh nghiệp nào có thể chứng minh được là mình đang có dòng vốn dương; tới các hợp đồng vay tín dụng mà phía tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi hay không; hoặc liên quan đến các khoản nợ, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp…
Và cuối cùng là do nhu cầu vốn tín dụng hiện nay cơ bản là của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi thực tế chỉ chưa tới 50% các doanh nghiệp này có thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng.
Để chữa “bệnh thừa tiền” hàng loạtgiải pháp đã được các ngân hàng đưa ra. Riêng NHNN đã tổ chức 12 Hội nghị, cuộc họp, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Đặc biệt, NHNN đã tổ chức 63 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Về phía mình, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất áp dụng cả với khách hàng vay mới và hiện hữu.
Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu khả quan khi trong tháng 9, tín dụng được đẩy ra nền kinh tế mạnh hơn, chỉ trong nửa cuối tháng đã tăng hơn 1,3 điểm %. Tính tới 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92%, mới đi được một nửa chặng đường so với kế hoạch cả năm (14 – 15%).
“Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước… Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.
Tổng Hợp
(Vietnambiz)