Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là 2,88 triệu tỷ đồng. Ngân hàng cho vay tới 85% giá trị bất động sản, liệu có mạo hiểm?
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định, NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng bất động sản. Theo đó, những dự án khả thi, hiệu quả dù lớn hay nhỏ vẫn đều được xem xét quyết định cho vay. Cùng đó, NHNN chỉ quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng khi cho vay lĩnh vực bất động sản đối với các trường hợp đầu cơ… Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, hiện nay, chúng ta chưa quy định cụ thể về thế nào là đầu cơ bất động sản. Thực tế, giữa đầu tư và đầu cơ chỉ cách nhau một sợi chỉ, rất là mong manh nên chúng ta không nên quá quan trọng thế nào là đầu tư, đầu cơ. Nếu người sử dụng đòn bẩy lớn, có mức vay quá nhiều so với mức vốn tự có trong quá trình đầu tư, mua bán bất động sản thì đấy là dấu hiệu nguy hiểm.
Ông Thịnh lấy ví dụ, người vay chỉ có một phần vốn nhưng lại vay đến 8 – 9 phần vốn từ ngân hàng thì riêng việc tiền trả lãi cho ngân hàng đã là quá nhiều. Dẫn đến khả năng quản lý vốn không có, không đáp ứng được yêu cầu ngân hàng đưa ra. Vì ngân hàng cũng giải ngân dần dần theo quá trình dự án, chứ không đưa hết tiền cho một lần.
“Ngân hàng là một đơn vị kinh doanh, họ cũng mong muốn các đối tác thực thi tốt nhất, có hiệu quả nhất để ngân hàng có lợi nhuận. Vấn đề ở đây là người đi vay không thực hiện đúng kế hoạch. Ngân hàng không dại gì ném tiền vào chỗ không tin tưởng dù đã bỏ ra số tiền đáng kể vào đó, lên tới 30 – 50% lượng tiền doanh nghiệp xin vay.
Cái quan trọng nhất là chúng ta làm sao thanh lọc được thị trường để nhà đầu cơ bị loại đi, bớt dần các doanh nghiệp có vốn chủ sở ít nhưng chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư trên thị trường khiến hoạt động sử dụng vốn không hiệu quả. Từ đó để tránh cho thị trường bất động sản đổ vỡ hàng loạt”, ông Thịnh nói.
Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản với các dự án đầu tư khoảng hơn 700.000 tỷ đồng; còn lại khoảng 1,5 triệu đồng nằm ở đối tượng cho vay là nhà ở xã hội, người nghèo, nhà ở thương mại,… Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 4/2022 là 10,19%.
Chia sẻ tại Hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022”, TS Đinh Thế Hiển cho biết, trước đây, trong biểu vay của ngân hàng không bao giờ cho vay quá 70% vốn của một dự án, nhưng nay ngân hàng cho vay đến 80-85% giá trị căn nhà thì quá nguy hiểm.
Một điều phải lưu ý thêm nữa, hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay không những cho vay “tất tay” room tín dụng mà còn đầu tư trái phiếu lên tới 800 ngàn tỷ trái phiếu, riêng bất động sản tới 1.200 tỷ trái phiếu trong 2 năm. “Như vậy không phải dư nợ bất động sản tính đến tháng 4/2022 tăng 12% mà tăng tới gần 100% nếu tính thêm cả 800 ngàn tỷ trái phiếu nợ của doanh nghiệp bất động sản cộng với 700 ngàn tỷ về tín dụng bất động sản, tăng gấp đôi về nợ so với dư nợ ngân hàng”, ông Hiển dẫn chứng.
Về cơ cấu nguồn vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản năm 2022, nguồn vốn duy nhất còn “sáng” là nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp. 3 nguồn vốn còn lại gồm: Nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, người mua đều đang quay đầu trong năm 2022. Trong đó trái phiếu doanh nghiệp thậm chí đã vượt quá chỉ tiêu.
“Hiện nay không có siết trái phiếu mà Chính phủ yêu cầu đưa trái phiếu về cho đúng chuẩn. Một doanh nghiệp phát hành trái phiếu đúng chuẩn thì phải có dự án thực sự, có pháp lý, bắt đầu phát hành trái phiếu niêm yết lên trên sàn. Như vậy, do chúng ta không đủ tiêu chuẩn để phát hành trái phiếu chứ không phải nhà nước siết.
Ngoài ra, đặc điểm của thị trường bất động sản Việt Nam là có tới 70%, thậm chí hơn nữa là đầu tư lướt sóng, nên khi các nguồn vốn bị ‘siết’ thì thị trường sẽ khó khăn”, ông Hiển nói.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên chậm nhưng không có đứng. Thị trường chậm lại là sự thức tỉnh, sàng lọc về phía khách hàng, nhà đầu tư. Đây chính là cơ hội, là thời điểm cho những sản phẩm mang lại giá trị thực cho nhà đầu tư, khách hàng lên ngôi.
Thị trường bất động sản vài năm gần đây liên tục “sốt’’ ở khắp nơi dẫn đến giá nhà, đất không ngừng “leo thang” bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá nhà đất ở nhiều nơi tăng nóng, nhất là phân khúc đất nền tại các khu vực sắp lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua… tăng giá đột biến. Ngoài ra, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%.
Trước thực tế trên, các cơ quan ban ngành, địa phương đã có loạt động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản như “phanh” tín dụng vào bất động sản từ ngân hàng, kiểm soát phát hành trái phiếu, siết thuế bất động sản… Ngay lập tức, thị trường bất động sản ở nhiều nơi có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên giá vẫn neo ở mức cao.
Tổng Hợp