Nợ xấu cuối năm 2020 tại nhiều ngân hàng giảm mạnh là do nhà băng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 dưới 1% là Techcombank, giảm còn 0,5% từ mức 0,6% cuối tháng 9/2020 và mức 1,3% cuối năm 2019; tỷ lệ này tại Nam A Bank là 0,83% so với mức 1,97% một năm trước đó.
Việc này bắt nguồn từ lo ngại nợ xấu mới hình thành, cộng với nợ chuyển nhóm theo Thông tư 01 bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, nợ ở nhóm 4 hay nhóm 5 của một số ngân hàng vẫn ở mức cao.
Để có một bảng báo cáo đẹp, sử dụng dự phòng đưa nợ xấu khỏi bảng cân đối là cách xử lý mà một số ngân hàng lớn lựa chọn.
Sacombank
Tại Sacombank, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng giảm 16,7% so với năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về 1,6%. Tuy nhiên, Ngân hàng đã phải trích lập dự phòng và phân bổ lãi dự thu hơn 5.500 tỷ đồng.
Trong hai tháng qua, Sacombank thông báo bán đấu giá một số bất động sản tại TP.HCM thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để xử lý nợ xấu.
Trong đó, các tài sản tại quận 8 bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ bồi thường diện tích hơn 20.800 m2 thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và hai quyền sử dụng thửa đất số 464 và 544 với tổng diện tích 12.669 m2, giá khởi điểm 640 tỷ đồng; tại quận Bình Thạnh, Sacombank bán đấu giá khu đất hơn 6.380 m2 với giá khởi điểm gần 377 tỷ đồng.
Tại quận Tân Phú, Ngân hàng rao bán khu đất hơn 6.300 m2 thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong, giá khởi điểm gần 400 tỷ đồng.
Các bất động sản trên không phải được rao bán lần đầu, mà là lần 2, lần 3…, vì trước đó không có ai mua. Theo Sacombank, việc phát mại tài sản thu hồi nợ xấu luôn được Ngân hàng đẩy mạnh, song khó kỳ vọng nhanh, không chỉ vì thủ tục pháp lý mà còn do thị trường bất động sản khó khăn, trong khi tài sản thế chấp của những khoản nợ tồn đọng có giá trị lớn.
Vietcombank
Quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng lên mức kỷ lục là 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập của Vietcombank khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gần 380%, tức 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng.
VietinBank cũng đạt kết quả tích cực khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối năm 2020 còn 0,94%, giảm mạnh so với mức 1,87% cuối quý III/2020 và thấp hơn mức 1,16% cuối năm 2019. Đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020 của Ngân hàng.
Trong năm 2020, VietinBank đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng được cải thiện, tăng lên 130%.
Nhìn chung, hoạt động phát mại tài sản thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng trong 2 năm qua không mấy khả thi, nhất là từ khi dịch Covid-19 xảy ra, khiến ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC khó có thể xử lý sớm.
Nhiều nhà băng khác như BIDV, VietinBank, Kienlongbank, Agribank… cũng liên tiếp phải rao bán tài sản thế chấp là bất động sản nhằm thu hồi nợ xấu. Mới đây, BIDV thông báo bán đấu giá 32 căn hộ tại Chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM.
Đây là số tài sản thế chấp của Công ty cổ phần Đức Khải. Trong đợt phát mại lần thứ 5 này, tổng giá bán 32 căn hộ là hơn 116 tỷ đồng, giá mỗi căn từ 2,4 – 5,3 tỷ đồng. Giá bán bao gồm thuế giá trị gia tăng và chưa bao gồm 2% phí bảo trì.
Gặp không ít khó khăn trong phát mại tài sản thu hồi nợ, nhưng để đảm bảo các chỉ tiêu trong hoạt động, nhiều ngân hàng đã dùng dự phòng để “bao” nợ xấu.