Một lãnh đạo trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh chia sẻ, sau khi có công văn của NHNN, nhà băng này đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn giải ngân cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Liên quan đến danh mục dự án, ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, NHNN vừa gửi công văn trong đó có điều kiện đảm bảo tiêu chí do Bộ Xây dựng hướng dẫn.
“Chúng tôi đang tập hợp tất cả quy định hiện nay. Ví dụ tiêu chí về chủ đầu tư, là đã được phê duyệt dự án, giao đất, giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng. Còn đối với cá nhân cũng phải đáp ứng đủ điều kiện nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Sinh nói.
Thứ trưởng Sinh cho biết thêm, từ hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư gửi thông tin để Bộ tổng hợp gửi Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở danh mục dự án đó, các ngân hàng giải ngân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý, tín dụng sẵn sàng nhưng hiện cả nước có rất ít dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Theo đó, ông Hùng kiến nghị các địa phương phải vào cuộc đẩy mạnh gỡ vướng pháp lý để các dự án đủ điều kiện vay vốn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng. Lãi suất cho vay càng cao làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản thêm khó khăn. NHNN cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp khoảng 6%/năm và ổn định trong thời gian dài, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chia sẻ, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của chương trình áp dụng từ nay đến 30/6/2023 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội vẫn cao. Đồng thời, với quy định “áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm” và khi hết thời gian ưu đãi, thì “ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất” mức lãi suất có thể dẫn đến “rủi ro” cho người vay vốn, khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại.
Ông Châu cho biết, thời gian ưu đãi 5 năm quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội, là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
“Tôi nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường, thì đây sẽ là “gánh nặng” cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động”, ông Châu nói.
Theo đó, ông Châu kiến nghị NHNN xem xét, để xây dựng cơ chế hợp tình hợp lý hơn.
Cụ thể, về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, hiệu quả, căn cơ, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Theo hướng dẫn của NHNN, từ ngày 1/4, người dân thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội có thể đến các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank để thực hiện thủ tục vay với lãi suất 8,2%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm. Còn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay với lãi suất 8,7%/năm, thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận ban đầu.
Trong đó, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ. Đồng thời, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần.
Thời hạn giải ngân của chương trình áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về lãi suất cho vay để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)