Diễn biến này hình thành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp được ngân hàng cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ; thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn dồi dào và lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp. Nhưng hệ thống ngân hàng nhất quyết không hạ chuẩn cho vay khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ có thể vay ngắn hạn, thậm chí để tiếp cận những khoản vay này cũng rất khó chứ đừng nói đến các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp không thể vay vốn nếu chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng như có tài sản thế chấp, khả năng khôi phục dòng tiền yếu, các kênh doanh thu thiếu thuyết phục hay chẳng may nợ bị “nhảy” nhóm do không làm đơn đề nghị giãn, hoãn…
Từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi dân cư vào ngân hàng liên tục giảm, nên khả năng huy động vốn cũng có chiều hướng giảm. Điều này kéo theo nguy cơ khó khăn về nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, dẫn tới áp lực thanh khoản có thể xảy ra trong tương lai.
Trên thực tế, những động thái của Ngân hàng Nhà nước từ đầu mùa dịch (2020) đến nay cho thấy hai điều tạo thuận lợi cho ngân hàng.
Thứ nhất, nhà điều hành tiến hành cơ cấu nợ, giãn áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
Thứ hai, ghi nhận trên thị trường tuần đầu tháng 10, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn vẫn liên tục được thực hiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tiền, giúp bổ sung nguồn cung VND trên liên ngân hàng. Trước đó, trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8/2021, nhà điều hành cũng bơm ròng gần 130.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua việc thực hiện thanh toán hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn từ tháng 1 và tháng 2/2021.
Mục đích là tạo thanh khoản hệ thống dồi dào thêm để ngân hàng vừa có vốn cho vay, vừa gián tiếp tác động mặt bằng lãi suất giảm, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất thị trường liên ngân hàng tiếp tục giữ xu hướng giảm, hiện giao dịch tại mức 0,68%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,77%/năm cho kỳ hạn một tuần. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 10 tháng đầu năm 2021 với mức giảm 0,7%/năm (tổng cộng giảm 1,7%/năm so với thời điểm trước dịch Covid-19).
Không bị áp lực trả nợ dồn nén, mặt bằng lãi suất giảm cả trên thị trường 1 và 2, vậy đâu là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm bất chấp những thuận lợi nêu trên?
Trước đó, cũng theo số liệu cập nhật tại cơ quan này, đến hết ngày 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 7,42% so với thời điểm đầu năm. Như vậy, tăng trưởng tín dụng hầu như đứng yên trong khoảng thời gian 5 tuần (từ 31/8 – 7/10/2021). Diễn biến này hình thành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp được ngân hàng cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ; thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn dồi dào và lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp.
Điều này cho thấy rất có thể cầu tín dụng thấp đã tạo nên hiện tượng trên hoặc nhu cầu tín dụng vẫn có vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhận định được khả năng kiểm soát đại dịch Covid – 19 của Chính phủ để lên kế hoạch kinh doanh; tuy nhiên, do ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng nên việc tiếp cận khó khăn.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)