Khảo sát biểu lãi suất huy động của các ngân hàng giữa tháng 9/2021 cho thấy những biến động trái chiều. Nhìn chung, các ngân hàng lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất như tháng 8 và giảm nhẹ ở một số kỳ hạn. Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ ngược chiều tăng lãi suất huy động.
Đa số ngân hàng lớn giữ nguyên hoặc giảm lãi suất huy động thời gian gần đây. Theo khảo sát, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng 9/2021 tại nhiều ngân hàng với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8/2021.
Techcombank vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 13/9 và giảm khoảng 0,1 điểm % ở một số kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, lãi suất giảm từ 2,7%/năm xuống 2,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 4,2%/năm xuống 4,1%/năm,…Trước đó, cuối tháng 8, nhà băng này cũng đã giảm lãi suất khoảng 0,1-0,15%/năm ở nhiều kỳ hạn. Tương tự, ACB cũng vừa điều chỉnh lãi suất huy động từ 13/9, giảm 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện lãi cao nhất tại nhà băng này là 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Tại PGBank, biểu lãi suất hiện nay so với tháng 8 đã tăng khoảng 0,2-0,4%/năm đối với một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất của ngân hàng này hiện này là 6,6%/năm tại kỳ hạn 18-37 tháng, tăng 0,4%/năm so với tháng trước. Tại kỳ hạn 12 tháng, 23 tháng cũng tăng 0,2 điểm% lên 6,1-6,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn ngắn được giữ nguyên như trước. Trong khi đó, BaoVietBank tăng thêm 0,1 điểm phần trăm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, đối với hình thức tiết kiệm Ez Saving dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay của BaoVietBank là 6,7%/năm, áp dụng với các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, tăng 0,1 điểm phần trăm so với trước. Lãi suất ở kỳ hạn ngắn cũng tăng mức tương tự, hiện kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 3,55%/năm, 6 tháng là 6,1%/năm,…
Tại 4 “ông lớn” đang nắm giữ nửa thị phần tiền gửi toàn thị trường, lãi suất cũng chủ yếu giảm. Hiện BIDV, Agribank, Vietcombank niêm yết mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, trong khi tại VietinBank là 5,6%/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù tiền gửi tăng chậm từ đầu năm đến nay và thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng nhưng chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống nhờ sự hỗ trợ của NHNN. Thậm chí, trong báo cáo phân tích mới đây, SSI kỳ vọng lãi suất huy động có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua. Theo đó, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài… Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.
Tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Trên thực tế, trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88 nghìn tỷ, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)