Thời gian qua, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp; sự suy thoái đạo đức của cán bộ thực thi nhiệm vụ, một số vụ vi phạm có tổ chức, hành vi vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Một số TCTD chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN về bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động, nhất là các quy định về bảo đảm an toàn kho, quỹ, giao dịch tiền mặt. Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Phương tiện chống lại tội phạm công nghệ cao tấn công từ ngoài của các ngân hàng còn hạn chế…
Qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng và kết quả điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua và trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động ngân hàng, NHNN đã tổng hợp và phân loại thành nhóm hành vi vi phạm phổ biến.
Ngân hàng có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý tiền tệ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có kết quả các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Hệ thống bước đầu thực hiện công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị công ty theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn nội bộ và quy định quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm và các hồ sơ khác; rà soát, sửa đổi các quy định nội bộ về tiền gửi, tiền vay, bảo mật thông tin khách hàng; thực hiện kiểm tra, đối chiếu giao dịch hàng ngày bảo đảm ngăn ngừa việc cán bộ, nhân viên lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
NHNN nêu các nguyên nhân do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn trước nên những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế nước ta nói chung, các TCTD nói riêng đã dồn tích lại từ lâu, nay bộc lộ đầy đủ, rõ ràng.
Điều này đã làm nảy sinh ngày càng nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, trong đó ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các loại tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật.
NHNN được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề, đặc biệt là các nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đồng bộ, nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.
NHNN khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.