Thông tin tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/202, ông Lê Quang Huy, Phó Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thông qua đường dây nóng cũng như hòm thư tiếp nhận đơn thư, tiếp công dân trong thời gian qua, cơ quan này đã nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo đó, các kiến nghị chủ yếu tập trung vào việc các ngân hàng ép khách mua bảo hiểm mới được giải ngân gói vay, hoặc phải vay vốn với lãi suất cao, không được tư vấn rõ ràng về bảo hiểm khiến khách hàng nhầm tưởng đó là các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng,…
Ông Huy cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển các kiến nghị này đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố để các đơn vị này liên hệ với người kiến nghị, phản ánh. Từ đó, tổ chức thanh tra, điều tra để xác minh thông tin phản ánh. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và chuyển hồ sơ vi phạm cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật.
Ông Lê Quang Huy, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh bảo hiểm trên nguyên tắc tình nguyện, phù hợp với nhu cầu tài chính của khách hàng, không được ép buộc khách mua bảo hiểm và không bán kèm các sản phẩm của ngân hàng. Việc ký kết tực hiện hợp đồng giữa các bên phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhân viên ngân hàng “bắt buộc” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn. NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ quy trình, đảm bảo việc duyệt hồ sơ đúng quy định, cung cấp thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, chính xác.
“Không được tự ý kê khai thông tin người mua bảo hiểm, nghiêm cấm ép khách hàng mua bảo hiểm”, ông Huy nhấn mạnh.
Phó Chánh Thanh tra giám sát cũng cho biết thêm, hầu hết các đơn thư nhận được trong khoảng thời gian từ tháng 2 và tháng 3.
“Những cuộc gọi phản ánh nhận được thời gian gần đây chúng tôi đã chuyển cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố. Dự kiến trong tháng 4 sẽ có báo cáo chính thức từ các chi nhánh, sau đó sẽ tổng hợp các đầu mối để cung cấp đến các cơ quan báo chí”, ông Huy cho hay.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ quý I/2023 của bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Đến nay, quá trình thanh tra đã cơ bản hoàn tất.
“Qua thanh tra, Cục đã phát hiện một số sai phạm nhất định liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo quy định khi chưa có kết luận thanh tra thì chưa được công khai thông tin. Đơn vị sẽ sớm hoàn thiện và công bố những sai phạm để có phương án xử lý phù hợp”, ông Tuấn cho hay.
Để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp về tình trạng nhân viên một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng.
Trong một tháng qua kể từ khi thiết lập đường dây nóng này, Bộ Tài chính đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Việc xử lý thông tin kiến nghị, phản ánh được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận, phân loại, đồng thời xác minh thông tin phản ánh.
Tổng Hợp
(Dân Việt)