Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra thí điểm về kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế trong quý III/2022. Kỳ vọng lạm phát tăng, NHNN tiếp tục hút tiền về, có thể phải điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Mỗi khi lạm phát cao, tỷ giá chịu áp lực, ngân hàng trung ương các nước đều phải nâng lãi suất nội tệ. Tại Việt Nam, NHNN cũng phải điều hành lãi suất tương quan với diễn biến lạm phát, tỷ giá, đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn giữ USD.
Thực tế như trong tuần vừa qua, lãi suất OMO tăng lên khoảng 4% cho cả 2 kỳ hạn 7 và 14 ngày. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm cũng được đẩy lên mức 3,5% (tăng 100 điểm cơ bản).
NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 33 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày. Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4% cho kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3% trong tuần trước) và giữ nguyên 2,6% cho kỳ hạn 7 ngày, và 3,45% cho kỳ hạn 28 ngày.
Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, NHNN đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên trước thềm hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole.
Bên cạnh đó, hoạt động mua kỳ hạn vẫn được đều đặn sử dụng với khối lượng tăng lên trung bình khoảng 1.000 tỷ/ngày (từ mức 500 tỷ/ngày trong tuần liền trước). Động thái này, sẽ tác động gián tiếp lên tỷ giá, có nghĩa là tác động trực tiếp vào lạm phát vì nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, nhập khẩu nhiều xăng dầu, hóa chất thậm chí cả thức ăn chăn nuôi. Do đó, áp lực lạm phát trong thời gian tới là rất lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên. Do vậy, không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Kết quả điều tra cho thấy, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng về CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 là 3,82%, năm 2023 so với năm 2022 là 4,09% và năm 2024 so với năm 2023 là 3,86%. So với kết quả điều tra công bố trước đó đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (thực hiện từ ngày 25/7 đến 5/8), kỳ vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng thấp hơn so với các chuyên gia.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng kỳ vọng CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 là 3,61%, năm 2023 so với năm 2022 là 3,63%.
Tuy nhiên, kết quả này cao hơn so với cuộc điều tra hồi tháng 7, mức tăng tương ứng chỉ 3,37% và 3,43%.
Ở kịch bản của Tổng cục Thống kê, dự báo CPI bình quân năm 2022 chỉ trong khoảng 3,4% – 3,7%.
Trong báo cáo vừa phát hành, nhấn mạnh áp lực lạm phát tăng cao dịp cuối năm là một trong những rủi ro tiềm ẩn mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt trong quý tới, song theo bộ phận nghiên cứu tại VNDirect, lạm phát được dự báo vẫn nằm trong tầm kiểm soát (dưới mục tiêu 4%). Điều này, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.
Tổng Hợp