Áp lực lên lãi suất trên thị trường I (khu vực tổ chức và dân cư) cũng tăng dần trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp thời gian tới…
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù được hỗ trợ bởi nguồn cung bổ sung từ kênh đấu thầu OMO và nhận tiền gửi Kho bạc Nhà nước, nhưng thanh khoản VND vẫn sẽ ở trạng thái kém dồi dào bởi 2 nguyên nhân:
Thứ nhất, dòng tiền tiếp tục bị hút về Ngân hàng Nhà nước khi các giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn đến hạn thanh toán và khả năng các ngân hàng thương mại có thể sẽ phải tiếp tục bán ngoại tệ giao ngay trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dự kiến vẫn kém thuận lợi.
Thứ hai, cân đối huy động – cho vay dự kiến tiếp tục thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể được đẩy nhanh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng, còn huy động vốn vẫn tương đối khó khăn do nguồn cung vốn hạn chế, đặc biệt từ cấu phần dòng vốn ngoại tệ vẫn chưa có sự cải thiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã bán ra hơn 3 tỷ USD trong tháng 8/2022, tức là đã gián tiếp hút hơn 70.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 75.000 tỷ đồng qua các kênh tín phiếu, hợp đồng bán – mua và bán ngoại tệ. Tỷ giá liên ngân hàng biến động ở tất cả các kỳ hạn trong suốt tháng 8/2022 do thanh khoản hệ thống ngân hàng không ổn định trước hoạt động bơm – hút liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ trên.
Tiếp nối sang tháng 9, thanh khoản trên hệ thống vẫn gặp nhiều áp lực, phần nhiều đến từ việc đáo hạn các hợp đồng bán USD khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh. Từ đầu tháng 9/2022 tới nay, lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm vượt qua 7,5%/năm – mức cao nhất kể từ năm 2012.
Gần như ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với tổng khối lượng đạt 64.400 tỷ đồng, đồng thời linh hoạt nâng kỳ hạn giao dịch lên 14 ngày. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất và lãi suất OMO dao động quanh mức 4,5%/năm cho kỳ hạn 7 ngày và 4,65%/năm cho kỳ hạn 14 ngày, qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng “hạ nhiệt”.
Mặt bằng lãi suất huy động vốn niêm yết trên thị trường này tiếp tục điều chỉnh tăng từ 0,3-0,9%/năm tại một số ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân (trong đó có một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 2-3 lần trong tháng như Techcombank, MBBank, TPBank, Sacombank, SeABank, OCB, BAC A BANK, MSB) với mức điều chỉnh dao động từ 20-40 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 12 tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết dành cho khách hàng tổ chức đã tăng 40-140 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 và trên thực tế, mức tăng này có thể lớn hơn.
Trong diễn biến có liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bổ sung hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại với mức phân bổ rải đều từ 0,7-4%. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, với tỷ lệ room tín dụng được điều chỉnh, ước tính tổng dư nợ tín dụng vào khoảng 13,6% – vẫn trong hạn mức của cả năm 2022 là 14%.
Còn dựa trên ước tính của VNDS Research, 15 ngân hàng thương mại được nới room trong thời gian qua, chiếm khoảng 80% quy mô dư nợ của toàn ngành. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được cấp thêm từ 1-4%, ước tính sẽ có khoảng 279.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế, so với thời điểm cuối tháng 8/2022.
Cũng theo TS. Nghĩa, lãi suất trên thị trường 1 vẫn trong xu hướng tăng do nhu cầu vốn lớn, các ngân hàng thương mại cũng có nhiều hợp đồng tín dụng chưa hoàn thành nhưng Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng về cung tiền bởi phải đề phòng lạm phát.
Thực tế, cơ quan này liên tục có những động thái linh hoạt trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản. Cụ thể, trong tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành hơn 160.000 tỷ đồng và để hơn 94.000 tỷ đồng đáo hạn thông qua kênh tín phiếu. Ngoài ra, có 35.000 tỷ đồng được đấu thầu trong tháng 8/2022, kết hợp với hơn 74 tỷ đồng đáo hạn trong tháng thông qua hợp đồng bán – mua (reverse repo OMO).
Tổng Hợp