Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng thêm từ 0,5-1% một loạt các loại hình lãi suất điều hành.
NHNN cho biết, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất nêu trên.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6%/năm lên 7%/năm.
Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
Theo khảo sát của chúng tôi, các ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới và có tăng so với các giai đoạn trước.
Cụ thể, lãi suất cơ sở mới tại ACB, là 7,5%; ABBank là 9,8%; SeABank là 9,4%, VietBank lãi suất 7,85% (khoản vay dưới 6 tháng), 8,2% (khoản tín dụng 6-12 tháng) và 9,1% đối với các khoản vay trên 1 năm.
VPBank có lãi suất cơ sở bằng VND áp dụng đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm của KHCN (kỳ điều chỉnh lãi 1 tháng) cho kỳ hạn 1-3 tháng là 8,6%, 6 tháng là 9%, 9-10 tháng là 9,3%, 12 tháng là 9,4%. Trong khi đó, hồi đầu quý II, lãi suất ở các kỳ hạn này chỉ ở mức 6,4-7,7%/năm.
Hoặc tại TPBank lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân (KHCN) kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,6 điểm phần trăm (đpt) so với cuối tháng 9, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,5 đpt, 6 tháng (+0,7đpt), 12 tháng (+0,6 đpt).
Theo dữ liệu từ Fiin Group, từ cuối quý 2 đã có hiện tượng lãi suất cho vay tăng nhanh hơn so với lãi suất huy động. Cụ thể lãi suất tiền gửi bình quân đã tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý 1 trong khi lãi suất huy động chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm.
Tổng Hợp