Trong bốn phiên giao dịch từ ngày 21 đến 26-9, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 50.000 tỉ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
TTXVN đưa tin, ngày 26-9, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết quả đấu thầu 20.000 tỉ đồng tín phiếu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỉ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên hôm qua 0,49%.
Trước đó, liên tiếp trong ba phiên ngày 21, 22 và 25-9, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỉ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.
Như vậy, trong bốn phiên giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỉ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
TTXVN dẫn nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, động thái phát hành tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống.
Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Còn theo Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank (MSVN), động thái hút tiền này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá.
Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng phải giảm về 30% kể từ ngày 1-10-2023.
Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% thay vì 34% như hiện nay. Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1-10-2022.
TTXVN dẫn thông tin theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng nhưng 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn. Vì thế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được giới chuyên gia cho rằng là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Việc áp dụng Thông tư 08/2020/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tại Việt Nam kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tính đến tháng 7-2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34%.
Theo đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, 33,66% ở các ngân hàng thương mại cổ phần. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Tổng Hợp
(TTXVN, Saigontime)