Lạm phát tăng khiến tiền đồng giảm giá, nhất là khi đồng USD mạnh lên. Ngân hàng không những khó có thể giảm thêm lãi suất, mà còn đang tính đến phương án tăng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Chưa kịp mừng vì lợi nhuận quý III cho thấy những dấu hiệu hiệu tích cực thì tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện. Lạm phát tăng khiến tiền đồng giảm giá, nhất là khi đồng USD mạnh lên. Ngân hàng không những khó có thể giảm thêm lãi suất, mà còn đang tính đến phương án tăng. Khó khăn cũ chưa tháo gỡ kịp thì khó khăn mới lại chồng lên”.
Thực tế, áp lực lạm phát chưa quá lớn, với mức bình quân trong quý II là 2,89% và 9 tháng đầu năm là 3,16%, thấp hơn khá nhiều so với ngưỡng 4,5% đặt ra cho cả năm 2023. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý III tăng mạnh, từ mức 2% cuối quý II lên 3,66% vào tháng 9.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV đánh giá, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong quý III chủ yếu do biến động của các mặt hàng ngoài “lõi” như nhiên liệu và ăn uống. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng dầu tăng mạnh trở lại theo xu hướng của giá nhiên liệu quốc tế, làm CPI nhóm giao thông tăng 3,2%, trong khi kỳ trước giảm gần 12%. Bên cạnh đó, giá lương thực tăng 10,5% do giá mặt hàng gạo và ngũ cốc tăng; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7,3% do giá gas tăng; giá bán lẻ điện và giá thuê nhà cũng tăng cao.
“Đáng chú ý, CPI giáo dục tăng 7,2% do một số địa phương tăng học phí năm học mới theo lộ trình tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Đó là chưa có biến số của việc giá dầu tăng gần đây đang trở thành mối quan ngại đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới. Những ngày cuối tháng 9/2023, giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Mặc dù không cho rằng những diễn biến gần đây sẽ đẩy lạm phát bình quân vượt mức trần 4,5%, nhưng bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: “Tình thế họa vô đơn chí này gây ra rủi ro gia tăng đáng kể. Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó là 3,2%) cho năm 2023”.
Trong diễn biến có liên quan, thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp tháng 9/2023 là sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed đã dẫn dắt chỉ số USD-Index (DXY) lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, cả giá dầu và chỉ số DXY đều tăng trở lại mức cao nhất vào thời điểm tháng 11/2022. Những diễn biến trong vài năm trở lại đây đặt ra dấu hỏi về quan hệ nghịch chiều giữa sức mạnh đồng USD và giá hàng hoá (đặc biệt là giá dầu thô) đã không còn hiệu lực như trước.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, ‘quyền lực’ kinh tế Mỹ gia tăng và dòng vốn dịch chuyển về môi trường lãi suất cao. Diễn biến thuận chiều của giá hàng hoá và chỉ số DXY đẩy các thị trường mới nổi và đang phát triển như Việt Nam đứng trước hai áp lực, lạm phát và tỷ giá”, bà Trần Thị Hà My, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận xét.
Vẫn giữ quan điểm thận trọng về lạm phát, nhưng vị lãnh đạo BIDV cho hay, có một số yếu tố hỗ trợ khiến lạm phát chưa quá đáng lo ngại như lạm phát cơ bản, tức lạm phát lõi có xu hướng giảm từ 4,3% xuống 3,8%, giá thực phẩm chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái do giá các mặt hàng như thịt lợn giảm, nguồn cung dồi dào.
Tổng Hợp
(ĐTCK)