Ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN….
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4%/năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Các quyết định điều chỉnh các loại lãi suất nêu trên có hiệu lực từ 19/6. Đây là lần thứ 4 liên tiếp chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây NHNN thực hiện giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng đã có động thái giảm lãi suất cho vay. Đơn cử, cuối tháng 5 Ngân hàng Wooribank người mua nhà phải vay với lãi suất ưu đãi 8,9%/năm trong năm đầu tiên, các năm sau sẽ thả nổi. Đến mới đây, ngân hàng này đã hạ lãi suất ưu đãi xuống 8,5% trong năm đầu tiên. Hay Ngân hàng ACB đang chào vay với mức lãi suất từ 8,5 – 9% cho năm đầu tiên, mức này đã thấp hơn khoảng 0,5% so với thời điểm đầu tháng 5. Việc giảm lãi suất cho vay được cho là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế hiện nay, đồng thời được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc hạ lãi suất là tin vui cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
“Lãi suất neo cao đã tác động tới thanh khoản trên thị trường bất động sản sụt giảm trong thời gian qua. Trong mấy tháng gần đây NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, theo đó các ngân hàng cũng dần hạ lãi suất cho vay. Dù mức giảm chưa nhiều nhưng cho thấy tín hiệu tích cực đang đến với thị trường bất động sản”, ông Đính nói.
Theo vị này, lãi suất cho vay sẽ không giảm đột ngột mà sẽ giảm từ từ. Sau đó, cần thời gian từ 3 – 6 tháng để thẩm thấu vào thị trường, tạo ra tâm lý tích cực cho người mua.
“Tôi cho rằng, từ quý III các vấn đề về pháp lý cơ bản được giải quyết, cộng thêm việc lãi suất giảm thêm sẽ kích thích thị trường bất động sản rục rịch trở lại, nhưng chưa thể sôi động ngay”, lãnh đạo VARS nói.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ một phần chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về tình hình lãi suất 6 tháng cuối năm, ông Lực cho rằng, Việt Nam còn dư địa giảm lãi suất điều hành nhưng cũng cần xem xét tình hình lạm phát, khả năng các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tổng Hợp