Thông tư 01 và Thông tư 03 đã cơ cấu lại nợ vay ngân hàng theo hướng phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, các Thông tư 01 và Thông tư 03 đã đẩy nợ xấu ngân hàng có chiều hướng tăng nhanh, khiến các quy định hiện hành ở 2 thông tư trên không còn phù hợp.
Tại buổi tọa đàm về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 03 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 5/8, các ngân hàng đã nêu hàng loạt vướng mắc, bất cập mà nếu không tháo gỡ sẽ làm đông cứng quan hệ vay mượn giữa hai bên.
Cũng theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải theo dõi tay toàn bộ khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, do số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài nên việc tính toán này gây tốn nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai sót trong tính toán.
Hiệp hội Ngân hàng nhìn nhận, tổ chức tín dụng cũng bị tác động rất lớn của dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực duy trì hoạt động, tổ chức tín dụng còn có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí. Việc hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của ngân hàng. Quy định các tổ chức tín dụng phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến cuối năm 2021 (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp theo) là khá lớn, rất khó cho tổ chức tín dụng.
Ngoài việc mở rộng phạm vi về thời gian như trên, tại buổi tọa đàm, các ngân hàng cũng cho rằng nên mở rộng về nghiệp vụ. Cụ thể, dư nợ được xem xét cơ cấu chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, thuê tài chính, không bao gồm dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: Thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán… Song, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Trong đó, thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến hiện nay. Xét trên mức độ ảnh hưởng thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư thẻ tín dụng là cần thiết.
“Việc kéo dài trích lập giúp giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro, giảm tải áp lực tài chính cho các ngân hàng để vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh vừa hỗ trợ khách hàng”, Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đặt ra câu hỏi, với trường hợp khoản nợ đã được cơ cấu giữ nguyên nhóm theo Thông tư 03, sau đó trả nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu mới qua thời gian thử thách theo quy định Thông tư 02, có được xem là khoản nợ nhóm 1 thông thường? Ngân hàng nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng thống nhất cách hiểu.
Thông tư 03 quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể dự kiến thời điểm kết thúc. Do vậy, đề nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoản thời gian đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.
Tĩnh Kiên