Kết quả khảo sát về hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý 4/2021 do Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy nhiều xu hướng đáng chú ý, đặc biệt là lo ngại của các ngân hàng về những rủi ro tiềm ẩn thời gian tới.
Trong quý 3/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức “thấp” và “giảm” so với quý trước, trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh. Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý 4/2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Đánh giá chung cả năm 2021, các TCTD đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng “tăng” cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo nhận định của các TCTD, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt, với 50,5% TCTD nhận định MBRR “tăng” trong quý 3/2021, 33,7% TCTD dự báo MBRR “tăng” trong quý 4/2021 và 50,5% TCTD dự báo MBRR “tăng” trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định MBRR “tăng” ở kỳ điều tra trước.
Đáng chú ý, tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý 1/2014). Khác với xu hướng phổ biến trong các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là “cải thiện nhẹ”, riêng trong quý 3/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được các TCTD đánh giá là có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Dự kiến trong thời gian tới, có 54% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 4 và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (67,6-73,3%).
Lần đầu tiên kể từ khi NHNN thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý 1/2014), hệ thống TCTD cho biết, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý điều tra có chiều hướng “suy giảm” so với quý trước. Trong quý 4/2021, 40,6% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý III/2021, 41,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 17,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm. Dự kiến tổng thể năm 2021, 83,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm” (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2021).
Đánh giá lại kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các biện pháp được được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, đảm bảo tính ổn định, an toàn hệ thống. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Theo đó, đến nay, các ngân hàng cơ bản đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam với 78 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng Thông tư 41. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý, tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát. Hệ thống các TCTD đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị, xử lý nợ xấu được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn. Hiện nợ xấu nội bảng của các TCTD được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức an toàn, giảm từ mức 2,46% năm 2016 xuống còn 1,69% kết thúc năm 2020.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trung bình đã giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm 1,5 – 2%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8 – 1,25%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5%/năm).
Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong nước, qua đó, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của TCTD và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đề án cơ cấu lại, trong đó, có mục tiêu về kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)