Số nợ xấu tăng lên nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại cũng công bố lãi tăng. Thông thường, trong trường hợp này người ta sẽ nghĩ đến khoản mục “lãi dự thu” hoặc “chi phí dự phòng rủi ro”.
Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận. Trong kỳ này, khoản “lãi dự thu” không biến động nhiều, thậm chí gần nửa ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính lại cho thấy xu hướng giảm. Như vậy, các ngân hàng lãi lớn chủ yếu do chưa mạnh tay trích lập dự phòng.
Nợ xấu của Vietcombank trong 9 tháng cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36% lên 7.885 tỷ. Trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng từ mức 0,79% cuối năm 2019 tăng lên 1,01%. Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng giảm 3%, còn gần 1,2 triệu tỷ; cho vay khách hàng tăng 7%, đạt 783.757 tỷ đồng.
Tại VPBank hợp nhất (bao gồm cả công ty con), nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức 10.147 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,42% lên 3,65%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 5.690 tỷ đồng, chiếm 2,71% trong tổng dư nợ cho vay, tăng nhẹ so với mức 2,69% hồi đầu năm. Nếu tính trên tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ VPBank chỉ khoảng 2,1%.
Hay tại TPBank, nợ xấu tăng 59% lên 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu MSB tăng 31% lên 1.703 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay.
Ngân hàng ACB tại ngày 30/9/2020 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.
Hay Sacombank, nợ xấu nội bảng tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.
Xu hướng tăng nợ xấu còn thể hiện trên các ngân hàng khác như tại MBB tăng 39,2%; SaiGonBank tăng 4,3%; KienLongBank tăng 555%; VIB tăng 26%…
Chỉ riêng có 2 ngân hàng gồm SeaBank và NCB có nợ xấu giảm. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng. Còn tại SeaBank, nợ xấu là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống 2,23%.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh quý vừa qua của Vietcombank âm tới gần 71.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm chưa tới 10.400 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do Vietcombank gia tăng các khoản đầu tư an toàn như trái phiếu, tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác, và giảm các khoản có phát sinh rủi ro như chứng khoán, cho vay khách hàng…
Cùng suy giảm lợi nhuận quý III còn có Sacombank. Lợi nhuận trước thuế quý III năm nay tại nhà băng này đã giảm 13% so với cùng kỳ do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.
Theo thuyết minh của ban soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…
Dự thảo thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành.