Đối với các ngân hàng, bảo hiểm đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong những năm gần đây. Tại báo cáo tài chính quý III/2021 của các ngân hàng, không ít ngân hàng báo lãi từ hoạt động bancassurance.
Thực tế cho thấy, giá trị các hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng ngày càng tăng cao. Nếu những năm trước, giá trị hợp đồng phân phối độc quyền qua ngân hàng chỉ trên dưới 150 triệu USD cho 15 năm, thì nay có những giá trị hợp đồng tới cả tỷ USD. Xu hướng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn tiếp tục tăng. Hiện các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng này.
Như MSB, theo giải trình kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, nhà băng này cho biết lợi nhuận sau thuế tăng 148% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là do tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu nên thu nhập lãi thuần tăng 38%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ 393%, chủ yếu là từ phí đại lý dịch vụ bảo hiểm.
Hay như tại Techcombank, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%. Tại MB, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt tới hơn 5.656 tỷ đồng, tăng 43,6% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Tương tự, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại TPBank đạt hơn 696 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 394 tỷ đồng.
Một khảo sát 6 tháng đầu năm của Vietnam Report với 20 doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, doanh thu phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng mạnh và tiến lên bằng doanh thu từ kênh đại lý. Điều này chứng tỏ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đem lại lợi ích lớn cho cả các doanh nghiệp bảo hiểm và nhiều ngân hàng thương mại.
Nhóm các ngân hàng thương mại phân phối bảo hiểm phát triển mạnh như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)… đều cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã thu về khoản lớn từ hoa hồng và phí phân phối bảo hiểm.
báo cáo 6 tháng đầu năm nay của SCB cho thấy, trong tổng số hơn 1.300 tỷ đồng thu nhập từ dịch vụ thì doanh số bảo hiểm đã gần 1.000 tỷ đồng. MSB trong hai quý đầu năm tăng thêm 500 tỷ đồng từ phí trả trước của Prudential.
HDBank tiết lộ trong năm nay, doanh thu phí từ bảo hiểm sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và là một trong những trụ cột trong mảng dịch vụ, đóng góp lớn vào lợi nhuận của ngân hàng cả năm.
Còn với Vietcombank thì có hợp đồng hơn 1 tỷ USD với hãng bảo hiểm FWD, ước tính trong năm nay và các năm sau, khoản hoa hồng từ bán bảo hiểm sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của ngân hàng này.
Thời gian qua các sản phẩm bảo hiểm đã hiện diện trên các quầy giao dịch các kênh bán hàng của ngân hàng ngày càng nhiều. Và hệ quả là nhiều khách hàng vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã phàn nàn về việc bị các nhân viên tín dụng ép mua bảo hiểm nhân thọ, không thì sẽ bị nhiều phát sinh không mong muốn, mặc dù đáp ứng đầy đủ điều kiện vay. Bộ Tài chính đã từng thừa nhận, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau). Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.
Thực tế việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm không còn là chuyện mới và không ít lần Ngân hàng Nhà nước “cấm” các ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn mua bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn còn diễn ra.
Kiên Cương
(Tổng Hợp)