Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu…
Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Các TCTD cổ phần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan. Đối với TCTD có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.
Các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục rà soát, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan, nhóm cổ đông cần quan tâm (nếu có) tại TCTD, kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vi phạm về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng, góp vốn không đúng quy định, ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động phát hành thư tín dụng (L/C) nội địa (đặc biệt là UPAS L/C nội địa), đảm bảo đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ (trong đó lưu ý các trường hợp khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng); có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động phát hành L/C nội địa, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ xấu, góp phần đảm bảo chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những ngân hàng nợ xấu tăng 50 – 70%. Trong bối cảnh nợ xấu tăng, có ngân hàng chấp nhận mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận lợi nhuận tăng trưởng không như ý, song cũng có ngân hàng lại giảm mạnh dự phòng (bất chấp nợ xấu tăng), nhờ vậy, lợi nhuận vẫn tăng trưởng khá đẹp.
Tại Ngân hàng OCB, nợ xấu tính tới cuối quý I/2023 tăng 51% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 54%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%. Lợi nhuận quý I/2023 của OCB tăng chủ yếu nhờ ngân hàng này giảm trích lập dự phòng để “làm đẹp” lợi nhuận.
Ngân hàng MB cũng đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm 31/3/2023, tổng nợ xấu của MB là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MB tại thời điểm cuối tháng 3/2023 là 1,75%, tăng khá mạnh so với mức 1,09% cuối năm ngoái. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.
Bất chấp nợ xấu tăng mạnh, MB vẫn giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp ngân hàng này duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 10,2% trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh doanh suy giảm.
Tương tự, tổng nợ xấu tại Eximbank tính tới cuối quý I/2023 tăng 30% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,8% cuối năm ngoái lên mức 2,3% cuối tháng 3/2023. Tăng trưởng lợi nhuận tại Eximbank chủ yếu nhờ dự phòng rủi ro giảm tới 42%.
Còn tại ABBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2023 ghi nhận hơn 3.198 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng VietinBank lại chấp nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất thấp trong quý I/2023 (tăng trưởng 3%), dồn lực để trích lập dự phòng rủi ro. Trong quý I/2023, dự phòng rủi ro của VietinBank tăng tới 52%, dù nợ xấu chỉ tăng chưa tới 8%.
Chất lượng tín dụng là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhìn vào nhóm “big 4” có thể thấy, dù Vietcombank, VietinBank, BIDV không khác nhau quá nhiều về tổng thu nhập hoạt động, song trích lập dự phòng rủi ro chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng này.
Nợ xấu thấp, trích lập dự phòng rủi ro thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao khiến quỹ lợi nhuận của Vietcombank gần như được bảo toàn. BIDV nhờ mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro các năm trước giúp dự phòng rủi ro năm nay giảm tới 25,2%, là động lực khiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng tới 58%. VietinBank năm nay tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhóm big 4 vì những năm trước trích lập dự phòng chưa nhiều bằng hai ngân hàng còn lại.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)