Trong thời gian qua, các ngân hàng kiểm soát khá chặt chẽ tín dụng. Khách hàng không có tài sản thế chấp không tiếp cận được vốn, hoặc đã thế chấp tài sản vẫn đang thiếu vốn trầm trọng nhưng ngân hàng lạ ế do vướng nhiều vấn đề.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Số liệu thống kê cho thấy trong nửa đầu năm nay, đã có hơn 70.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong khi đó, thanh khoản ngân hàng liên tục tăng cao hay nói nôm na là dư tiền.
Biểu hiện là lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng những ngày gần đây liên tục sụt giảm 0,2 – 0,6%/năm, với mức giảm khoảng 50% so với thời điểm cuối tháng 5 (trước khi TP. HCM công bố giãn cách xã hội). Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày 8/7 kỳ hạn qua đêm còn 0,94%/năm, 1 tuần còn 1,08%/năm, 2 tuần còn 1,19%/năm, 1 tháng còn 1,23%/năm, 3 tháng còn 1,77%/năm, 6 tháng còn 1,97%/năm. Doanh số giao dịch cũng tăng trên 30%, như kỳ hạn qua đêm lên 106.933 tỷ đồng, 1 tuần lên 23.436 tỷ đồng… Lý do thanh khoản tốt, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, là các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên cao thời gian gần đây. Đồng thời NHNN tăng cường kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, khuyến khích các NH cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên…
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong 6 kiến nghị, Hội Doanh nhân trẻ đã có 2 kiến nghị liên quan đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Cụ thể, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%. Đồng thời, lãi suất hiện nay đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 – 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021). Hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.
Theo ông Minh, NHNN vừa họp với ngân hàng thương mại đánh giá thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 và nhận thấy cần có sự hỗ trợ khách hàng thêm nữa, triển khai Thông tư 03 mạnh mẽ hơn. Cụ thể là ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay xuống thông qua giảm chi phí quản lý, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Động thái quan trọng nhất trong thời gian tới là Hiệp hội Ngân hàng sẽ họp với 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn, chiếm tỷ trọng 70 – 80% để cùng đồng thuận với nhau giảm lãi suất cho vay, trong đó đối với các hợp đồng hiện hữu khoảng 1%/năm. Đây là sự hỗ trợ thiết thực của ngân hàng đối với người vay và tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong điều kiện không buông lỏng các điều kiện.
Lãi suất huy động bằng tiền đồng được các ngân hàng hiện đang áp dụng phổ biến ở mức 3,51 – 3,58%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 3,78 – 5,95%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; phổ biến ở mức 5,32 – 6,17%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. So với cuối năm 2020, lãi suất tăng 0,01 – 0,2%/năm đối với kỳ hạn 3 – 6 tháng, giảm 0,13 – 0,53%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.
Nhật Hạ