Cùng với việc rao bán thanh lý các loại tài sản thường như ôtô, máy móc, chung cư, nhà đất… của khách hàng cá nhân để thu hồi nợ, nhiều ngân hàng cũng đang rao bán các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với giá trị lớn.
Riêng tại BIDV, nhà băng này đang có hơn chục khoản nợ và tài sản đảm bảo giá trị lớn được rao bán thanh lý. Đáng chú ý, nhiều tài sản trong số này đã được rao bán nhiều lần với giá rẻ hơn vài chục tỷ cho tới hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua.
Cụ thể, BIDV Chi nhánh Bắc An Giang vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý với số dư nợ gốc và lãi tạm tính đến 11/2019 là 1.153 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này bao gồm 154 lô đất nền tại Khu đô thị mới thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Giá khởi điểm cho khoản nợ nói trên chỉ là 616 tỷ đồng, tương đương hơn 53% dư nợ.
Chi nhánh Phú Tài của ngân hàng này cũng đang tìm doanh nghiệp thẩm định giá tài sản bảo đảm trong khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Số dư nợ mà BIDV cấp cho doanh nghiệp này là hơn 1.002 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là Trung tâm tiệc cưới Crystal Palace ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM và rừng trồng ở tỉnh Đắk Nông.
Ngoài ra, 6 ôtô, 2 cụm nhà xưởng cùng máy móc, thiết bị sản xuất gỗ (không bao gồm quyền sử dụng đất) ở tỉnh Bình Định và hơn 8,7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang… cũng được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay này.
Đáng chú ý, trước đó BIDV từng rao bán Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace với giá 356 tỷ đồng. Thậm chí, BIDV đã phải giảm 33%, tương đương gần 180 tỷ đồng so với giá rao bán lần đầu nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư quan tâm.
Trung tâm tiệc cưới đang được Sacombank rao bán thanh lý. Ảnh: Crystalpalace.
Nhà băng này cũng đang bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay với dư nợ gốc và lãi đến cuối tháng 3 năm nay là hơn 4.063 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, SCB cũng rao bán đấu giá dự án chung cư cao ốc và biệt thự tại đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM là tài sản thế chấp của một khách hàng với giá khởi điểm 2.352 tỷ đồng. Đặc biệt, mức giá này cũng giảm gần 180 tỷ so với giá khởi điểm trong lần chào bán đầu tiên.
Xét riêng việc đấu giá tài sản giá trị lớn (trên 100 tỷ), Sacombank đang là ngân hàng có nhiều tài sản mang ra đấu giá nhất, phần lớn trong đó là các dự án bất động sản lớn.
Cụ thể, nhà băng này đang rao bán quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích hơn 20.800 m2 tại phường 6, quận 8, TP.HCM thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất tại khu đối diện với diện tích gần 12.700 m2. Tổng giá trị tài sản được rao bán là 711 tỷ đồng.
Sacombank cũng bán thanh lý gần 30.000 m2 đất thuộc dự án Khu dân cư Ngãi Thắng (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với giá 448,5 tỷ; 53.000 m2 tại số 1 xã Tân Kiên huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá gần 400 tỷ; 6.300 m2 đất tại 245/61B Hòa Bình, quận Tân Phú, TP.HCM giá 355 tỷ đồng… Ngoài các bất động sản nói trên, riêng tại TP.HCM, Sacombank cũng đang rao bán hơn chục lô đất với tổng giá trị khởi điểm gần 3.000 tỷ đồng.
lãnh đạo trung tâm xử lý nợ một ngân hàng quốc doanh cho biết những tài sản ngân hàng rao bán từ giá trị nhỏ (dưới 1 tỷ) cho tới tài sản vài nghìn tỷ dành cho mọi đối tượng nhà đầu tư.
Tài sản đang được Sacombank bán đấu giá tại TP.HCM. Ảnh: STB.
Những tài sản là dự án bất động sản chưa triển khai, khu công nghiệp lớn… nếu nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia và có năng lực tài chính đều có thể tham gia đấu giá. Trong khi đó, với các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm đi kèm, đối tượng đấu giá nhắm tới các công ty xử lý và thu hồi nợ.
Vị lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận rất khó để bán đấu giá những tài sản giá trị lớn như khách sạn, dự án bất động sản, khu công nghiệp… với giá từ vài trăm tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng. “Vì vậy, khi có nhà đầu tư cá nhân tham gia, các ngân hàng rất mừng”, ông nói. Tuy nhiên, nhiều tài sản trong số này dù đã được ngân hàng giảm giá vài trăm tỷ, đến nay vẫn chưa thể thanh lý.
Đại diện một ngân hàng khác cho biết những khoản nợ, tài sản trong thời gian rao bán đấu giá nhưng khách hàng vay (là chủ tài sản) có đề nghị và đưa ra được giải pháp trả nợ khả thi vẫn sẽ được ngân hàng ưu tiên hỗ trợ.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 1,1137 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng 7 tháng đầu năm nay các ngân hàng đã xử lý khoảng 63.700 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng đã đạt hiệu quả cao hơn. Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình 7.150 tỷ/tháng, cao hơn gấp đôi so với trung bình giai đoạn 2012- 2017 khi Nghị quyết 42 chưa có hiệu lực.
SHB cho biết nhiều lần tạo điều kiện để Công ty An Trường An trả nợ nhưng đến nay khách hàng này vẫn không thực hiện đúng các cam kết trả nợ theo hợp đồng tín dụng 2 bên đã ký.
Hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo trị giá vài nghìn tỷ đồng đang được các ngân hàng bán thanh lý. Trong đó, nhiều tài sản đã giảm giá vài trăm tỷ vẫn không có người mua.
Nhật Hạ
(Tổng hợp)
theo Phụ Nữ Mới