Đa số các ngân hàng chấp nhận thiệt thòi về lợi nhuận để dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến hết tháng 6/2020, tổng tiền gửi khách hàng (bao gồm dân cư và các tổ chức kinh tế) tại hệ thống ngân hàng là trên 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 4,75% so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng chỉ tăng 3,65%, đạt gần 8,5 triệu tỷ đồng.
Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại (*) đã công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tăng trưởng dư nợ cho vay (cấu phần chính và cốt lõi của dư nợ tín dụng) chỉ đạt 3,53%; thấp hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng là 4,17%.
Trên thực tế, việc để tăng trưởng tiền gửi khách hàng lớn hơn tăng trưởng dư nợ cho vay không có lợi cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong ngắn hạn, bởi khi đó, chi phí huy động có xu hướng tăng mạnh hơn tiền lãi thu về.
Điều này cũng được chứng minh trong kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại trong diện thống kê. Cụ thể, tổng chi phí lãi (phản ánh chi phí huy động) của các ngân hàng này tăng tới 12,5%, cao hơn đáng kể mức tăng 10,8% của tổng thu nhập lãi (phản ánh tiền lãi thu về).
Tuy nhiên nhìn chung, các ngân hàng vẫn chấp nhận thiệt thòi này để dồn vốn, chuẩn bị cho tăng trưởng cho vay mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.
Có một chỉ tiêu có thể giúp mường tượng được mức độ thiệt thòi về lợi nhuận của các ngân hàng khi chấp nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao hơn tăng trưởng dư nợ, đó là tỷ lệ dư nợ cho vay so với tiền gửi khách hàng.
Thống kê cho thấy nửa đầu năm nay, tỷ lệ này chỉ tăng ở 10/28 ngân hàng. Đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng này không dồn vốn một cách rõ rệt để chuẩn bị cho tăng trưởng cho vay nửa cuối năm; phản ánh tâm lý khá thận trọng đối với triển vọng tăng trưởng dư nợ cho vay thời gian tới. Đổi lại, điều này hỗ trợ lợi nhuận cho các ngân hàng trên trong nửa đầu năm.
Ngược lại, 18/28 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay so với tiền gửi khách hàng giảm, phần nào cho thấy tâm lý lạc quan hơn đối với triển vọng tăng trưởng dư nợ cho vay trong nửa cuối năm, vì vậy, họ dồn vốn để chuẩn bị.
MB, MSB, LienVietPostBank, SCB, VIB, Eximbank là những ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Trái ngược, HDBank, PGBank, BacABank, Kienlongbank, Techcombank, VPBank, SeABank, VietBank, NamABank, Saigonbank, VietABank là những ngân hàng ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất.
Tựu trung, đa phần các ngân hàng đã quyết định dồn vốn trong nửa đầu năm để chuẩn bị cho tăng trưởng cho vay nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung trong nửa cuối năm.
Xu hướng này là phù hợp với nhận định của đa phần các lãnh đạo ngân hàng ở thời điểm 6 tháng đầu năm với giả thuyết rằng dịch đã được kiểm soát trong tháng 4 và do đó, tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm. Thế nhưng, việc dịch quay trở lại đã khiến các kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng bị đảo lộn nhất định. Tác động thực tế là chưa thể ước tính được khi làn sóng Covid-19 thứ hai chưa dừng lại, cùng với đó là lo ngại về các làn sóng Covid-19 tiếp nối.
Đến nay, nhiều ngân hàng đã xin thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước và một số đã được phê duyệt. Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VPBank, HDBank, TPBank, Techcombank và VIB là các ngân hàng đã được giao hạn mức mới quanh 20%.
(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.