Tăng trưởng mạnh ở chỉ tiêu tín dụng là yếu tố duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng, ngân hàng ồ ạt báo lãi “khủng”, có miễn nhiễm với thông tin xấu?
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thực tế ngân hàng báo lãi lớn không phải do miễn nhiễm với thông tin xấu hay các thông tin được cho là ảnh hưởng tới hoạt động ngành.
Ông Hiếu chỉ ra một số nguyên nhân chính giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tăng là nhờ sự phục hồi sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu tín dụng tăng mạnh.
Tín dụng tăng trưởng mạnh là yếu tố duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Đến cuối quý II, dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng 9,35% trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm 2021 là 6,44%.
Ngoài ra, ông đánh giá việc quản trị rủi ro luôn được ngân hàng đặt ra ở mức cao. Các ngân hàng đã dự báo những kịch bản gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.
Ông cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là ngân hàng có được nhiều lợi thế hơn các ngành khác do đây là bộ máy tuần hoàn và phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. 3 năm qua, ngân hàng nổi lên là ngành kinh doanh có lợi nhuận nhiều nhất trong khi nhiều doanh nghiệp ngoài lĩnh vực tài chính khốn đốn. Ông đề cập câu chuyện có những ngân hàng đi tới lằn ranh rủi ro thì lại được các ngân hàng lớn khác “cứu” bằng cách nhận chuyển giao bắt buộc.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng thực tế, đối với ngành ngân hàng thì các thông tin được cho là xấu rất “nhạy cảm”. Lợi nhuận ngân hàng đạt cao trong nửa đầu năm là do sự nhạy cảm, giúp chuẩn bị tốt các kịch bản xấu chứ không phải vì “miễn nhiễm” tin xấu.
Về bức tranh nửa cuối năm của ngành ngân hàng, ông Thịnh cho rằng số đơn vị báo lợi nhuận đạt kế hoạch đặt ra có thể chỉ còn là “cua trong lỗ”. Vị chuyên gia nhận định rủi ro về room tín dụng, nợ xấu, “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản… sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực và làm phân hóa lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm.
Đồng tình, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng có thể vẫn tốt nhưng không phản ánh thực tế đáng lo mà các nhà băng phải đối mặt nửa cuối năm. Những vấn đề này gồm có lạm phát tăng, ẩn số room tín dụng, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực.
Dù chịu áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới hay những dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn báo lãi “khủng” sau 6 tháng. Thực tế, từ trước khi công bố kết quả kinh doanh, nhiều công ty chứng khoán đã dự đoán bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của các ngân hàng vẫn tươi sáng. Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính lãi ròng quý II của 27 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Hay Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng nhận định tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có thể đạt bình quân 26-29% so với cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ tăng trưởng tín dụng tăng 18% so với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần tăng và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải do các ngân hàng lớn trước đó đã trích lập dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu cho Covid-19 trong năm 2021.
Tổng Hợp