Nếu siết chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản trên thị trường, khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.
Với người tiêu dùng, siết chặt tín dụng bất động sản sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà, đất lên cao khiến khó tiếp cận cơ hội nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng dự nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tìm các nguồn vốn khác.
Trái phiếu doanh nghiệp là lựa chọn ưu tiên đứng thứ hai, sau nguồn tín dụng ngân hàng nhưng những vụ việc gần đây (như vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh) nhà đầu tư đang e ngại với hình thức huy động vốn này.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản không thể tiếp tục phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc huy động nguồn vốn từ những kênh tài chính khác.
“Với sự bất ổn của thị trường trái phiếu như hiện nay thì bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu Việt Nam thu hút được sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư, tổ chức, bên cạnh ngân hàng, là quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các hãng bảo hiểm, công ty tài chính” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Để khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, chúng ta cần điều chỉnh ngay những quy định pháp luật về thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ để tạo niềm tin cho giới đầu tư, đưa vào một sân chơi thực chất và đúng quy tắc, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
Hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung và dài hạn (từ 10 – 25 năm) trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữ nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chưa có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng hay chặn tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản. Đối với những dự án khả thi, hiệu quả thì dù lớn hay nhỏ đều được các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà chỉ là điều chỉnh nắn dòng vốn vào các dự án khả thi, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp bất động sản trong nước không có vốn chủ nhiều và phụ thuộc vào vốn tín dụng, vay từ ngân hàng. Chính vì vậy thời gian qua khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng thì các doanh nghiệp phải chuyển sang huy động trái phiếu. Và để thị trường bất động sản được phát triển lành mạnh, bền vững thì cần thiết phải kiểm soát, định hướng các dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, việc điều tiết thị trường là cần thiết song nếu siết quá chặt có thể để lại những hệ luỵ.
Nếu siết chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản trên thị trường, khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Với người tiêu dùng, siết chặt tín dụng bất động sản sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà, đất lên cao khiến khó tiếp cận cơ hội nhà ở.
Tổng Hợp