Không ít công ty chứng khoán phải gồng thanh khoản để thanh toán trái phiếu, hoặc ôm lại trái phiếu hỗ trợ tổ chức phát hành. Làn sóng rút vốn khỏi các quỹ chứng khoán (quỹ mở) cũng xuất hiện. Nếu lãi suất huy động tăng cao thì có thể tiền sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán mạnh hơn…
Chính vì thiếu thông tin, niềm tin lung lay nên nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, bán trái phiếu trước hạn, bán chứng chỉ quỹ trái phiếu thu tiền về. Ảnh hưởng của thị trường trái phiếu ngưng trệ đến thị trường chứng khoán, tăng áp lực của thị trường tiền tệ và nguồn vốn cho nền kinh tế đã ở mức nghiêm trọng mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý cấp bách có giải pháp củng cố niềm tin, khơi thông lại thị trường.
Trong cuộc họp với Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam ngày 26/10/2022, các công ty quản lý quỹ lớn đều bày tỏ lo ngại khi trái phiếu chất lượng tốt cũng không ai mua, tiền liên tục rút ra thì các quỹ có thể default (vi phạm nghĩa vụ trả nợ).
Thống kê từ Fiin trade cho thấy, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là có, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Thời gian qua, nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư, khiến lượng trái phiếu lưu hành giảm khá mạnh. Tính đến 30/9/2022, giá trị này giảm còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng (cuối năm 2021 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 15% GDP), trong đó, trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành trên 400.000 tỷ đồng thì trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng giảm còn hơn 920.000 tỷ đồng. Trái phiếu ngân hàng về cơ bản là rủi ro rất thấp. Với khối doanh nghiệp thì trong số 920.000 tỷ đồng, trái phiếu bất động sản chiếm 455.000 tỷ đồng, tỷ trọng khá lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Thực tế, có một lượng trái phiếu không niêm yết do công ty chứng khoán chia nhỏ kỳ hạn phân phối đến tay nhà đầu tư cá nhân nên rất khó để thống kê, bởi trái phiếu được lưu ký tại các công ty chứng khoán, thay vì lưu ký tập trung. Chính vì thiếu dữ liệu nên thông tin dễ bị đồn thổi. Chỉ cần một tin đồn có liên quan đến trái phiếu là cổ phiếu bị bán tháo như trường hợp của Chứng khoán VNDIRECT (mã chứng khoán VND) với trái phiếu Trung Nam vừa qua.
Tảng băng chìm khác là một vài công ty chứng khoán tự doanh trái phiếu gặp khó khăn về thanh khoản khi không thể chuyển đổi trái phiếu thành tiền do tổ chức phát hành không có tiền mua lại.
“Chúng tôi đang phải chật vật lo thanh khoản”, giám đốc một công ty chứng khoán quy mô vừa nói, thừa nhận chuẩn bị phát hành trái phiếu mới để mua lại trái phiếu đã phân phối cho khách hàng với kỳ hạn ngắn.
Giám đốc một công ty chứng khoán có hoạt động đầu tư nguồn vốn, kinh doanh trái phiếu đặt câu hỏi: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp giờ bán không ai mua, phát hành mới không được, một số doanh nghiệp lớn và nhỏ đã không trả được nợ thì có thể nhận thức là bắt đầu vỡ, tổn thương hay mới chỉ là nguy cơ?”.
Thông tin về các cuộc đàm phán nợ giữa doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán phân phối và nhà đầu tư cá nhân lan rộng khiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu càng thêm mạnh mẽ. Phía trước còn nhiều nhà đầu tư chờ đến hạn để thu tiền về trong các tháng sắp tới, trong khi tổ chức phát hành không kịp thu xếp tiền mua lại.
Khi ngân hàng trung ương phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ thì từ người dân đến doanh nghiệp đều co cụm lại, giảm tốc đầu tư. Ngân hàng Nhà nước lại siết tín dụng, hút tiền về, khiến tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế giảm.
Tổng Hợp