Quy mô vốn huy động không tăng đột biến. Dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các định chế tài chính. Nếu không có sự can thiệp hành chính để dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ rất khó khăn cho nền kinh tế…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới dự báo sẽ có thuận lợi và thách thức đan xen. Theo đó, NHNN tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng…
Cuộc đua lãi suất huy động không làm quy mô vốn huy động tăng đột biến, dòng vốn chỉ dịch chuyển giữa các ngân hàng. Nếu không có sự can thiệp hành chính để dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ rất khó khăn cho nền kinh tế. Nhận định được TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường đại học Kinh tế – Luật TP.HCM, chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng kinh tế 2023: Thúc đẩy tăng trưởng từ nội địa” chiều 28-12.
Thay nhóm nghiên cứu báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM quý 4-2022 trình bày báo cáo, TS Xuân cho rằng cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay không làm quy mô vốn huy động tăng đột biến và dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các định chế tài chính.
Dẫn chứng chênh lệch room vốn giữa huy động và tín dụng thu hẹp nhất trong lịch sử tại TP.HCM, bà Xuân cho rằng cuộc đua lãi suất đã đủ dài để các ngân hàng xác lập thị phần, và nhóm nghiên cứu nhận định cuộc đua này cũng gần đến lúc hạ nhiệt và về đích.
Nếu diễn biến theo hướng này, việc nới room tín dụng cho năm 2023 mới thực sự phát huy tác dụng, cung vốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó 2023. Ngược lại, càng siết room tín dụng, cuộc đua lãi suất sẽ còn tiếp tục và tạo hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế. Quy mô vốn huy động không tăng đột biến. Dòng vốn cơ bản chỉ dịch chuyển giữa các định chế tài chính.
Cùng với vấn đề về vốn, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế – Luật TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo về sự xuất hiện “sốc kinh tế” vào quý 1-2023 và sự phục hồi vào quý 2-2023.
Theo đó, lạm phát quay trở lại ngay từ cuối năm 2022 và có thể dao động mạnh từ đầu năm 2023, tạo nhiều áp lực lên nền kinh tế. Cú sốc kinh tế lần này có thể để lại những ảnh hưởng xấu hơn trong giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ là cú sốc chứ chưa rơi vào tình trạng nguy hiểm như suy thoái kinh tế.
Theo bà Xuân, việc cảnh báo sớm có thể đưa ra các giải pháp để “cứu”. Trong bối cảnh triển vọng 2023 không nhiều điểm sáng, trong khi lực đẩy phát triển từ bên trong rất khó kiến tạo trong thời gian ngắn, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần ưu tiên xây dựng kịch bản phát triển ổn định và “chống sốc”, thay vì quá tập trung vào tăng trưởng và mở rộng.
Mặt khác, nhóm cũng kiến nghị tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn COVID-19, như chính sách giảm 2% VAT, hay giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Tú Anh cũng phân tích tình hình kinh tế thế giới cũng như những thách thức với kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023.
Theo ông Anh, lý do lạm phát là do nền sản xuất Việt Nam phần lớn nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài. Thời điểm này, do nhiều yếu tố, giá nhập khẩu các mặt hàng này tăng đẩy lạm phát trong nước tăng. Do vậy, việc siết chặt room tín dụng và nâng lãi suất có thể có nguy cơ thiếu vốn cho nền kinh tế.
TS Trương Minh Huy Vũ – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách TP.HCM cho rằng cần có nhiều biện pháp khác nhau để kích thích thị trường “nội địa” của TP và các tỉnh phía Nam.
Trong đó các mảng liên quan đến thương mại, dịch vụ, du lịch đang tiến hành khá tốt trong 1 năm phục hồi. Mặt khác, cần tiếp tục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế ban đêm trong khu trung tâm TP.HCM, giao các quận thí điểm, làm mạnh quận 1 và 3.
Các giao dịch ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng cho thấy xu hướng lãi suất giảm khá rõ nét. Đến nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 3,49%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mức lãi suất qua đêm thời điểm đầu tháng 11 có lúc đã lên tới 6,36%. Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đã giảm thấp xuống chỉ còn 4,24%, cũng thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lên tới trên 7% vào đầu tháng 11/2022.
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh thời gian qua một phần nhờ những kết quả qua 2 cuộc họp diễn ra trong tháng 12 giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). Theo đó, các ngân hàng ngoài việc cam kết dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động, thì cũng có những nội dung trao đổi để có sự hậu thuẫn tốt hơn với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Theo trao đổi của đại diện VNBA, trước đây có một số thời điểm các ngân hàng thậm chí có tâm lý dè dặt lẫn nhau, sau khi có những nội dung trao đổi và đồng thuận, sự hỗ trợ lẫn nhau qua thị trường liên ngân hàng đã được thực hiện tốt hơn trước.
Đánh giá về diễn biến chung trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây, TS. Châu Đình Linh – Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh thời gian qua một phần nhờ kết quả của hàng loạt động thái điều hành khá hợp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, hoạt động thị trường mở (OMO) được điều hành linh hoạt, các động thái bơm và hút tiền qua thị trường mở đã hỗ trợ tốt cho thanh khoản của các ngân hàng. Bên cạnh đó, một trong những động thái điều hành tuy có mang tính hành chính nhưng cần thiết trong thời điểm hiện tại là việc NHNN thông báo sẽ xử lý những ngân hàng tăng lãi suất, đã chặn được làn sóng tăng lãi suất, đưa lãi suất trở về quỹ đạo hợp lý.
Tổng Hợp
(Tuổi Trẻ, Thời báo Tài Chính)