Nếu không có những tháo gỡ mang tính rõ nét, thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, nguồn cung mới dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 ở hầu hết các phân khúc.
Có thể thấy, còn khá nhiều khó khăn đặt ra đối với thị trường bất động sản năm 2023. Các thách thức này chủ yếu đến từ những vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ chưa được giải quyết từ giữa quý 2/2022, trong đó nổi bật là vấn đề áp lực dư nợ cũng như đáo hạn trái phiếu bất động sản.
Theo thống kê, năm 2023 có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm đến gần 40%, rơi vào khoảng hơn 119.000 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17.5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trong đó đến 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10.5 nghìn tỷ đồng.
Kế đến đó là việc room tăng trưởng tín dụng 2023 dự kiến tiếp tục bị khống chế ở mức của năm 2022 dao động từ 14% – 15%, khó lòng giải tỏa “cơn khát” của thị trường thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay leo thang vượt ngưỡng 15%/năm.
Bên cạnh đó, động thái tăng cường thanh tra các dự án và chủ đầu tư, tâm lý chờ đợi thị trường tiếp tục điều chỉnh để “bắt đáy” cũng là những thách thức đặt ra cho thị trường trong nửa đầu cũng như cả năm 2023.
Với phân khúc đất nền, không giống với giai đoạn năm 2021 – 2022 trở về trước, phân khúc đất nền nửa đầu năm 2023 sẽ khó có nhiều đột biến về giá bán cũng như thanh khoản. Những cơn sốt nóng cục bộ hầu như bị chặn đứng bởi tâm lý thận trọng trước viễn cảnh tăng trưởng kinh tế bị chững lại, lạm phát tăng, lãi xuất cho vay tiếp tục neo ở mức cao từ 13% – trên 15%/năm, nút thắt pháp lý ở các dự án chưa có dấu hiệu được tháo gỡ triệt để.
Chia sẻ về thị trường bất động sản đầu năm 2023, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Group cho hay, các phân khúc bất động sản trong nửa đầu năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến trái chiều ở cả hai thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.
Để vượt qua những thách thức, theo ông Võ Hồng Thắng, thị trường cần thiết có sự chung tay từ nhiều chủ thể tham gia thị trường.
Dưới góc độ quản lý vĩ mô Nhà nước: Thời gian gần đây nhiều cuộc họp liên ngành được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường liên tiếp được diễn ra, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Nghị định 65, lộ trình kiểm soát lãi suất cho vay,… được kỳ vọng mở ra những hướng đi mới cho thị trường trong năm 2023.
Dưới góc độ doanh nghiệp bấ t động sản: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tối ưu chi phí vận hành, tinh gọn bộ máy nhân sự hiện hữu, áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, bán hàng giúp cắt giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành sử dụng chưa đúng mục đích, tuân thủ theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong đó chú trọng kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Linh hoạt áp dụng các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh nhằm đảm bảo dòng tiền. Ưu tiên phát triển những dự án chiến lược, đã hoàn thiện pháp lý, tránh việc đầu tư dàn trải, triển khai “cuốn chiếu” nhiều dự án cùng lúc như trước.
Thanh khoản thị trường nửa đầu năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ở thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp trước những khó khăn tồn đọng chưa được tháo gỡ triệt để từ quý 2/2022 đến nay. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay hoặc leo thang, áp lực lên giá bán cũng như thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao. Người bán chấp nhận hạ giá bán, kỳ vọng để bán được sản phẩm trong khi người mua càng tỏ ra thận trọng hơn trong quyết định xuống tiền mua ở thời điểm này. Vòng luẩn quẩn này có thể khiến thị trường rơi vào suy thoái trên diện rộng.
Ngày 3.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các đánh giá, các nhiệm vụ, giải pháp được các đại biểu nêu tại phiên họp, đồng thời phân tích thêm về những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế xã hội.
Thủ tướng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta.
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để…
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất. Khơi thông thị trường liên ngân hàng.
Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống. Chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Rà soát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triển khai thu thuế với dịch vụ ăn uống và các cửa hàng bán lẻ. Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Tổng Hợp
(Lao Động, Nhịp sống thị trường)