Sau những bất ổn từ đại dịch COVID-19 qua đi, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình cảnh mâu thuẫn khi các doanh nghiệp đang rất khát vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu) đóng băng, sức ép của cả nền kinh tế đổ dồn lên vai kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng lãi suất cao khiến dòng tiền thu về chỉ đủ trả lãi vay, thậm chí nhiều trường hợp có khả năng phải phá sản.
Thời điểm hiện tại được đánh giá là sống còn để ngành ngân hàng và doanh nghiệp cùng tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc cho thị trường vốn. Việc giảm lãi suất cho vay rõ ràng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp/cư dân đều mong muốn.
Đây sẽ là bài toán khó khi Việt Nam không thể đứng độc lập với chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhất là trong bối cảnh Chủ tịch FED Jerome Powell ngày 7/3 vừa qua cho biết cơ quan này sẽ nâng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến trước đó và không loại trừ khả năng sẽ quay trở lại các mức tăng quy mô lớn như trong năm 2022.
Ông Powell cũng nhấn mạnh: ”Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất”.
Một chuyên gia chứng khoán nhìn nhận Việt Nam không thể tiếp tục bán USD như trước đây do dự trữ không còn quá nhiều, song cũng không thể can thiệp theo hướng tăng lãi suất vì mục tiêu chung là giảm lãi suất và hỗ trợ thị trường.
Vị chuyên gia này cũng dự báo lãi suất của FED đến tháng 6 dự kiến đạt đỉnh 5,5-5,6%. Đồng nghĩa với áp lực lãi suất từ nay đến giữa năm vẫn cao. Điều này nghĩa là khả năng Việt Nam sẽ chỉ có thể giữ lãi suất ở mức đi ngang hoặc giảm rất nhẹ, bên cạnh đó kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá.
Còn theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, phía NHNN cần tăng cung tiền lên để tăng nguồn vốn tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo quan điểm của ông, sức ép về tỷ giá hối đoái đã giảm đi theo xu hướng chung trên thế giới, bản thân tỷ giá VND/USD đã tự giảm giá 8%, áp lực lạm phát cũng giảm dần.
Đồng quan điểm ông Nghĩa, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá với áp lực tỷ giá và lạm phát trong năm 2023 dự báo bớt căng thẳng, NHNN được kỳ vọng có dư địa để nới lỏng chính sách.
Dù vậy, ở góc nhìn rộng mở hơn, chính sách tiền tệ có sự phụ thuộc quan trọng với chính sách tài khóa, thay đổi của chính sách nào cũng dẫn đến hiệu quả của chính sách kia.
Do đó, ông Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh, cần vừa tăng cung tiền để giảm lãi suất nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khoá để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hoá, giữ ổn định lạm phát. Nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khoá để kìm giữ lạm phát như năm 2022.
Một đề xuất được các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ là tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% kéo dài trong cả năm 2023. Nhiều ý kiến đánh giá chính sách này với việc làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường tác động làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, đồng thời còn giảm áp lực lạm phát.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc nhìn nhận điều đặc biệt của chính sách này so với các chính sách hỗ trợ khác như giảm lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn hay gói vay ưu đãi… là không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ phức tạp với các điều kiện ngặt nghèo. Mức giảm được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa khiến đa số doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay lập tức.
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM cho biết: ”Nhiều doanh nghiệp phải chịu với mức vay biên lãi suất (chênh lệch giữa huy động và cho vay) từ 3-5%. Tại sao lãi suất Việt Nam rất cao dù ở các ngân hàng nước ngoài lại thấp? Trong số hội viên chúng tôi có những doanh nghiệp đã khóc vì lãi suất ngân hàng. Có trường hợp nhà băng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay thì cộng biên độ 2,5%, nhưng trong hợp đồng ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Đó là cách lách rất khéo của ngân hàng. Gần đây, biên độ đã lên đến 4,8%-5% rồi”.
Cộng đồng doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.
Trao đổi với Nhadautu.vn, một chuyên gia nhìn nhận, tình trạng mất cân bằng cung – cầu vốn tín dụng ngân hàng đã đẩy lãi suất lên, thậm chí có tình trạng nhiều ngân hàng tính thêm phí bảo hiểm, thu xếp vốn… vào lãi suất, qua đó càng đẩy mức lãi suất tăng cao và khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Giới chuyên gia nhìn nhận muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề tưởng chừng như phi lý tồn tại hiện nay là lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư)