Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI và FTSE.
Điểm nghẽn “mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán (UBCK) cho biết, trong hệ thống tiêu chí mà Việt Nam phải đáp ứng để được nâng hạng, có 2 nhóm tiêu chí chung là môi trường kinh doanh và môi trường pháp luật.
Về cơ bản, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng đủ các tiêu chí định lượng, nhưng chưa đáp ứng được các tiêu chí định tính liên quan tới “mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”, trong đó có quy định nhà đầu tư ngoại phải có 100% tiền và chứng khoán trong tài khoản tại thời điểm mua, bán chứng khoán.
Theo các tổ chức xếp hạng, dù là nhằm đảm bảo an toàn cho công ty chứng khoán cũng như thị trường, nhưng quy định trên chưa tương thích với luật chơi quốc tế, gây bất bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, việc yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải có đủ tiền trong tài khoản tại thời điểm mua chứng khoán buộc họ phải “nhốt” một lượng tiền đáng kể trong mấy ngày mà không được hưởng lãi suất, trong khi chứng khoán sau khi đã mua cũng không được giao dịch.
“Các tổ chức xếp hạng cho biết, nếu hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài còn bị hạn chế, chưa tương thích với thông lệ quốc tế, thì rất khó để đưa ra quyết định nâng hạng cho Thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hải nói.
Thực tế trên cho thấy, “nút thắt” cho hành trình nâng hạng đang nằm ở câu chuyện chính sách. Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, để giải tỏa điểm nghẽn này, chính sách cần sự thay đổi, nhất là khi đây đang là thời điểm Bộ Tài chính, UBCK triển khai xây dựng hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán.
Cùng với đó, nền tảng công nghệ cần sớm đồng bộ hóa trong ngành chứng khoán và giữa ngành chứng khoán với ngân hàng để xử lý được vấn đề kỹ thuật trong việc thanh toán tiền và chứng khoán đồng thời.
Tình trạng này đang xảy ra tương tự với nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về hay giao dịch T+0, cho dù quy định pháp lý đã cho phép từ nhiều năm nay.
Ngoài vướng mắc trên, quy định chưa rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp cũng là rảo cản khiến nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán chậm cán đích.
Đại diện cho tiếng nói của tổ chức đang điều hành một trong những quỹ đóng nước ngoài lớn nhất tại thị trường Việt Nam, bà Lê Thị Hồng Thái đến từ CTCP Quản lý quỹ VinaCapital (VOF) nhìn nhận, room ngoại là một trong những “nút thắt” trên thị trường chứng khoán bấy lâu nay, nhưng chưa có giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán quy định, đối với công ty đại chúng không có ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần.
Thế nhưng, theo quy định hiện hành tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán cho phép Đại hội đồng cổ đông có quyền ra nghị quyết sửa điều lệ của công ty theo hướng giảm xuống dưới 100%.
Sự “vênh” nhau này khiến việc tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp trở nênkhó khăn.
Cách nào giải tỏa?
Nhìn lại hành trình nâng hạng cho thị trường chứng khoán đến nay có thể thấy, số lượng tiêu chí cần phải đáp ứng tuy không nhiều, nhưng đều là những tiêu chí khó, đòi hỏi phải có những thay đổi lớn, đồng bộ cả về quy định pháp lý lẫn hệ thống công nghệ, cấu trúc tổ chức và giao dịch ở quy mô toàn thị trường.
Xét về mặt pháp lý, nhờ sự đồng bộ của việc bộ 3 luật được sửa đổi gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021), nên theo đại diện UBCK, các vướng mắc thuộc phạm vi điều chỉnh của 3 luật này đã cơ bản được tháo gỡ, qua đó không chỉ tạo sự đồng bộ, thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp gắn với thị trường chứng khoán, mà còn góp phần giải tỏa những hạn chế về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, cho nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc giữa pháp luật chứng khoán và pháp luật ngân hàng, đến nay chưa có hướng tháo gỡ do phải đợi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.
Điều đáng nói là những điểm nghẽn liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng đang ảnh hưởng tới việc gỡ tắc cho nâng hạng thị trường chứng khoán.
Theo đó, điểm mấu chốt để Việt Nam mở ra và áp dụng cơ chế cho phép nhà đầu tư mua – bán chứng khoán khi không có đủ 100% tiền trong tài khoản, mà chỉ yêu cầu có đủ tiền và chứng khoán tại thời điểm thanh toán, chuyển giao chứng khoán, phụ thuộc chính yếu vào tiến độ hoàn thành gói thầu công nghệ thông tin giao dịch toàn thị trường do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM làm chủ đầu tư, trong đó có hạng mục triển khai Đối tác thanh toán bù trù trung tâm (CCP).
“Việc triển khai cơ chế CCP sẽ cơ bản giải tỏa vướng mắc trên, qua đó đáp ứng yêu cầu cho nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, khi sửa đổi quy định pháp lý cho triển khai CCP lại làm thay đổi cấu trúc hoạt động của các ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán…, trong khi pháp luật về ngân hàng hiện hành mới có quy định về lưu ký, chưa có cơ chế cho ngân hàng hoạt động lưu ký bù trừ. Việc khắc phục hiện trạng này không đơn giản, nhất là với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…”, ông Hải cho hay.
Cũng theo đại diện UBCK, trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng chưa được sửa đổi, UBCK mới chủ yếu rà soát các điểm còn vướng mắc giữa Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng, để từ đó nỗ lực sửa đổi tối đa các điểm mắc này trong Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua trong năm 2019. Kỳ vọng trong thời gian tới, Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi sẽ gỡ được được những khúc mắc này.
Dẫu còn không ít thách thức, nhưng hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường cần đi trước, để mở đường cho triển khai cơ chế CCP, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho nỗ lực nâng hạng thị trường.
Nếu yếu tố công nghệ và chính sách cùng được xử lý sớm, mới có thể thực thi được việc nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam trước thời điểm Chính phủ đặt ra (năm 2025).
(Theo Tinnhanhchungkhoan)