Việc buông lỏng quản lý đất đai ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng người dân tự ý mua gom, tách thửa, thậm chí “bịa” dự án để bán. Nạn phân lô, bán nền cũng diễn ra phức tạp…
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi có định hướng phát triển khu vực Đảo Ngọc (nằm giữa sông Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi) thành khu đô thị sinh thái hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh có văn bản về việc chấp thuận cho một số nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc vào khoảng tháng 9/2017 và từ khi khởi công thực hiện Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, thì tại khu vực Đảo Ngọc đã phát sinh tăng đột biến số lượng hồ sơ của người dân có nhu cầu và được giải quyết tách thửa, chuyển quyền.
Rất nhiều “cò đất” đổ về đây săn lùng đất nền, gây khuấy động cả hòn đảo. Giá đất ở đây được “thổi” lên cao ngất ngưởng. Cơn sốt đất này luôn đi kèm với cơn sốt lòng tham của nhiều cá nhân. Nhiều người dân đã từ bỏ mảnh vườn canh tác bấy lâu, sang tay cho các “đầu nậu” thu mua đất. Bà Thắm (nhà ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm) cho biết, từ khi các “cò đất” về đây, vùng đất quê bà trở nên có giá. Chủ đất nào muốn bán là “chưa đầy nốt nhạc” đã có người tiếp cận và sẵn sàng xuống tiền.
“Hồi trước tới giờ, bà con ở đây chỉ lo làm đồng, con cái đi làm nhà máy, xí nghiệp, ai nghĩ đất cát có ngày tăng giá vù vù như vậy. Từ Tết Nguyên đán đến nay, ngày nào cũng có người đến xem đất. Chỉ cần dân gật đầu là họ đem tiền ra đặt cọc, viết giấy ngay tại bàn”, bà Thắm nói.
Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, UBND xã Tịnh An, UBND TP. Quảng Ngãi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường không báo cáo, đề xuất, chỉ đạo hoặc tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh phù hợp nhằm quản lý nhà nước về đất đai theo quy hoạch trên địa bàn, đồng thời không thực hiện tốt trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về quản lý sử dụng đất đai tại địa phương.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: “Điều này thể hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai tại khu vực Đảo Ngọc còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, buông lỏng quản lý từ tỉnh đến cơ sở”.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, nạn phân lô, bán nền cũng diễn ra phức tạp. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, có nhiều thông tin, quảng cáo về các dự án bất động sản do một số đối tượng môi giới tự đặt tên và đăng tin nhằm thu hút người mua, nhưng thực tế, các “dự án” này đều không được cấp phép.
Đơn cử, mới đây, xuất hiện thông tin quảng cáo mời chào mua Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl tại xã Tru Tra (huyện Đơn Dương). Các trang mạng quảng cáo khu đất này có diện tích khoảng 5 ha, với 75 sản phẩm đất nền biệt thự, diện tích 200 – 700 m2, do Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Thanh Niên Holdings làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như Sở Xây dựng Lâm Đồng đều khẳng định “dự án” này hoàn toàn không có. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đã yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến “Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl”.
Phúc đáp đề nghị trên, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, không có hồ sơ về dự án đầu tư, cấp phép xây dựng đối với Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl. Thực chất, đây là khu đất được tách thửa sau khi chuyển nhượng từ người này sang người khác.
Mới đây, tại cuộc họp báo định kỳ, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây, tỉnh có đặt vấn đề với 2 nhà đầu tư khảo sát đầu tư ở Đảo Ngọc. Việc này chỉ dừng lại ở mức khảo sát, không triển khai các bước tiếp theo, nhưng đã khiến đất Đảo Ngọc có giá, người dân bị cuốn vào vòng xoáy mua đi bán lại đất.
“Tôi đã giao thanh tra rà soát lại một lần cuối, nếu việc tách thửa không đúng quy định của pháp luật, có yếu tố vi phạm, gây thất thoát ngân sách thì chuyển cơ quan điều tra khởi tố”, ông Minh nói.
Còn tại tỉnh Lâm Đồng, thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, Thanh tra tỉnh cũng nhận thấy, bản chất của việc hiến đất diễn ra ở TP. Bảo Lộc chủ yếu vẫn là nhằm phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân, chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng.
Không chỉ vậy, tại TP. Bảo Lộc còn có tình trạng người dân tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp là không đúng quy định. “Việc chính quyền địa phương chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp thừa nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân”, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kết luận.
Tổng Hợp
(ĐTCK)