Thông thường, thời điểm cuối năm là “mùa gặt” của thị trường bất động sản, bởi nhu cầu mua nhà đón Tết và đầu tư tăng cao thúc đẩy thị trường nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay thị trường xuất hiện những diễn biến “lạ”, người mua thắt chặt hầu bao, cân nhắc kỹ hơn trước khi xuống tiền, dù giá bất động sản ở nhiều khu vực đã giảm mạnh.
Càng về cuối năm, thị trường tràn lan các sản phẩm giảm giá, cắt lỗ nhưng người bán vẫn chật vật tìm khách mua suốt thời gian dài cũng không được.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu năm 2022, dòng tiền dễ đổ vào thị trường bất động sản khiến số lượng các nhà đầu tư F0 tăng mạnh, nhu cầu, nguồn cung hiếm đẩy giá bán lên cao. Lực cầu F0 hướng tới các phân khúc cao cấp, biệt thự, villa, shophouse ở các dự án mới phát triển. Tuy nhiên, cuối năm 2022, thị trường bất động sản xuất hiện làn sóng “cắt lỗ” bởi ảnh hưởng từ các chính sách tài khóa và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Theo khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, thời điểm quý II/2022, có khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh và 45% cho biết giao dịch có sụt giảm nhưng không quá lớn. Bước sang quý III/2022, có đến hơn 43% tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch) và quý IV/2022 đã có 62% môi giới xác nhận sự sụt giảm mạnh giao dịch.
Thực tế, thời gian gần đây, lãi suất cho vay ngân hàng liên tục tăng cao, song giá bất động sản có nhiều hướng đi xuống. Nhiều nhà đầu tư sẵn tiền mặt cũng có tâm lý e ngại, nếu mua vào lúc này giá có thể tiếp tục giảm.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, tâm lý nhà đầu tư là khi thấy thị trường bất động sản đi lên, sợ bị mất cơ hội nên phải mua vào bằng được. Còn khi thị trường bất động sản đi xuống và nhìn nhận tương lai không sáng sủa, họ lại muốn bảo toàn, bán ra càng sớm càng tốt. Điều này đã dẫn đến việc thanh khoản trên toàn thị trường giảm mạnh.
“Nếu nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro nên quan sát thêm đến quý II/2023 để nắm bắt được xu hướng của thị trường. Đối với nhà đầu tư có sẵn tài chính thì không nên quá e dè. Nhà đầu tư không nên tìm kiếm dàn trải mà nên tập trung vào các loại sản phẩm sát trung tâm nhằm hạn chế rủi ro. Ngoài ra, nhà đầu tư nên chọn sản phẩm mà mình có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng thương lượng, mua vào giá tốt”, ông Quang nhận định.
Những động thái quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp thị trường sớm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và người mua. Đồng thời, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực để hồi phục trong năm 2023. Do đó, nếu các chủ đầu tư dự án bất động sản ưu tiên đưa ra thị trường các sản phẩm ở vị trí tốt và chất lượng đảm bảo vẫn thu hút được khách hàng, phần nào góp gam màu sáng để đưa thị trường bất động sản phục hồi trở lại thời gian tới.
Có một thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12-14%/năm, gây nên những áp lực rất lớn, không ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi, cực kỳ nguy hiểm. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là giá phải giảm về mức “chấp nhận được”.
“Trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên mạnh tay giảm sâu hơn để cắt lỗ. Đầu tư thì có thắng có thua, vì vậy nếu cảm thấy gánh nặng quá lớn thì nên dứt khoát để thu tiền về, đợi những cơ hội sau. Việc “gồng” quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Trần Khánh Quang khuyến cáo.
Tết Nguyên đán đến gần, thị trường bất động sản phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng xuất hiện nhiều thông tin rao bán nhà đất “ngộp”.
Nhà đất “ngộp” nôm na là những BĐS đang được chủ sở hữu bán tháo, bán cắt lỗ vì áp lực tài chính.
Có thể nói, thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn sụt giảm trên diện rộng cả về lượng giao dịch lẫn giá bán. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư có sẵn tiền mặt muốn tối đa lợi thuận. Tuy vậy, không phải ai cũng mua được BĐS tốt với giá hời.
Thị trường bất động sản những ngày cận Tết Nguyên đán vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, theo đó, thanh khoản tiếp tục suy giảm trong dịp cuối năm. Song, với những nhà đầu tư có sẵn tiền lại cho đây là cơ hội để mua bất động sản giá “hời” và chờ “đón sóng”.
Tổng Hợp
(Lao Động, Nhịp Sống Thị Trường, VietNamNet)