Để hấp thụ các tin tốt trên thì thị trường vẫn có độ trễ nhất định và đa phần các thành viên thị trường sẽ tiếp tục quan sát, nghe ngóng để đưa ra những hành động cụ thể. Năm 2023 sẽ nhiều thách thức với doanh nghiệp địa ốc…
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land cho rằng, hiện tại thị trường chưa tạo đáy. Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều nhà đầu tư thì khoảng một năm nữa thị trường mới thực sự tạo đáy.
Theo ông Ngọc, có những khu vực trước đó giá đã tăng gấp 5, 10 lần thì hiện tại, dù có giảm giá mạnh cũng không có người mua, bởi mức định giá đã vượt qua giá trị thật nhiều lần. Đây cũng chính là điều các nhà đầu tư cần lưu ý khi thực hiện bắt đáy.
“Muốn bắt đáy thì phải quan sát kỹ giá sản phẩm khu vực đó có thể giảm thêm không, bởi mua bán quan trọng là thời cơ. Trong giai đoạn hiện tại, đầu cơ là việc không dễ dàng, các nhà đầu tư sẽ dễ rơi vào cảnh vừa bắt đáy thì thị trường lại tạo đáy mới và thua lỗ.
Nếu vừa muốn bắt đáy, vừa đảm bảo an toàn, nhà đầu tư có thể lựa chọn những sản phẩm có tính phòng thủ cao – có giá trị sử dụng và tăng giá chậm – như nhà nội đô để cho thuê. Còn sản phẩm tăng giá bằng lần thường chưa có giá trị sử dụng ngay (như dự án ăn theo đầu tư công, đất nền ven khu công nghiệp, ven dự án của chủ đầu tư lớn) và tăng giá nhanh thì rủi ro lại càng lớn”, ông Ngọc khuyên.
Từ góc nhìn của đơn vị chuyên phát triển dự án, bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc Hà An Group cho rằng, thị trường bất động sản nếu vẫn trong tình cảnh không có thanh khoản thì dòng tiền không luân chuyển được và sẽ tạo thành các cục máu đông. Do đó, thị trường đang chờ tia nắng ấm để có thể rã đông trong 2023, đó chính là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như tín dụng, sửa Nghị định 65, hay kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực.
“Thị trường năm 2023 phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Điều cần thiết là phải mở room tín dụng, giảm lãi suất, bơm tiền đủ lớn ra thị trường, bởi việc tăng tín dụng một cách nhỏ giọt như cuối năm 2022 chỉ có thể coi đó là liều thuốc “giảm đau” chưa đủ mạnh, chưa đủ tốt cho thị trường”, bà Hà nói.
Về dòng vốn ngoại, theo bà Hà, hiện khó trông cậy khi tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang trong bối cảnh khó khăn. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ thực sự tham gia thị trường khi nhìn thấy rõ những điểm sáng.
Tuy nhiên, với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản dự kiến sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn trong quý II, quý III/2023.
Tại một diễn đàn diễn ra cuối năm 2022, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, cam kết của ngân hàng về hạ lãi suất… sẽ góp phần “phá băng” thị trường bất động sản, giúp thanh khoản trở lại, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Các diễn đàn, hội thảo trong nước gần đây cũng bàn nhiều về những “cơn gió nghịch” với kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Khó khăn song hành cùng thách thức là điều chắc chắn mà thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt khi những vướng mắc về pháp lý, nghẽn vốn… vẫn đặt những áp lực lớn về tâm lý cho toàn bộ thị trường.
Ngoài ra, cơ cấu các nguồn hàng cũng là điểm nghẽn khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái tê liệt về thanh khoản, khi các sản phẩm hiện thời chưa đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trên thị trường gần như vắng bóng các sản phẩm căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2 ở hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM, trong khi đây lại là hai thị trường chính, có nhu cầu về ở thực nhiều nhất cả nước.
Tỷ lệ hấp thụ nói chung toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng của khu vực và thế giới, được nâng hạng tín nhiệm, được quan tâm tìm đến như một địa chỉ đầu tư, du lịch và sinh sống sau đại dịch. Việc thị trường bất động sản “lạc phách” với nền kinh tế đặt ra yêu cầu nên có đánh giá đầy đủ và đa chiều hơn về thực trạng của thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như có những giải pháp để đưa thị trường trở lại vị thế vốn có.
Tại Hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản năm 2023” do VARS tổ chức cách đây không lâu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV đã dùng cụm từ “họa vô đơn chí” khi đánh giá về thách thức mà kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng phải đối mặt trong năm 2023.
Nhiều yếu tố bất lợi cả bên trong và bên ngoài đã tạo ra những ảnh hưởng to lớn chưa từng có với Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, kể từ sau khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2009 – 2011. Với thị trường bất động sản, đó là sự bất ổn lan rộng ở mọi địa bàn, ở mọi phân khúc và mọi đối tượng phải chịu ảnh hưởng.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)