Có thể thấy, trong gần hai năm đại dịch Covid-19, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh và cả dịch vụ bị đình trệ thì thị trường chứng khoán và bất động sản lại có nhiều “cơn sốt”. Nhưng năm 2022 việc có nguy cơ hay không “bong bóng” còn chưa khẳng định được.
Các chỉ số chứng khoán liên tục tạo đỉnh mới với số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng vọt. Giá đất nhiều nơi tăng cao, các cơn sốt đất vùng ven, khu công nghiệp,… diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Giải thích cho sự tăng nóng của chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là lãi suất tiền gửi đã ở mức rất thấp trong khi việc đầu tư mới hay mở rộng kinh doanh rất hạn chế khiến tiền nhàn rỗi đi vào các kênh rủi ro hơn.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hiện tượng sốt đất như hồi đầu năm 2021 sẽ không xảy trong năm 2022 do năm vừa qua Nhà nước đã cơ bản kiểm soát nhờ các chính sách. Tuy vậy, cũng không nên chủ quan với lạm phát, do đó cần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao.
Chỉ số lạm phát đang được dự báo có thể tăng cao trước những biến động của nền kinh tế như các gói kích cầu được tung ra, hoạt động đầu tư công đẩy mạnh, giá nguyên vật liệu và xăng dầu tăng… Theo chuyên gia trong ngành, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.
Theo Bộ Tài chính, từ việc đánh giá áp lực lạm phát tăng cao từ đầu năm 2022, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu do Quốc hội đặt ra (tiếp tục ở mức khoảng 4%) sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2022, sức bật sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, cộng với lượng cung tiền mạnh hơn thông qua việc thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ sẽ tạo áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chuyên gia dự báo lạm phát năm sau sẽ nhích lên khoảng 3,3 – 3,6%, nguyên nhân là kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn so với một số nước trên thế giới.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị một số biện pháp để ngăn chặn nguy cơ bong bóng bất động sản và tăng cường việc quản lý trên thị trường. Theo đó, địa phương được đề nghị tăng cường thanh kiểm tra thị trường; chặn các thông tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,…gây bất ổn cho thị trường. Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý đến việc quản lý những người làm môi giới bất động sản và xử phạt nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, quyền sử dụng đất… vi phạm.
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn rủi ro; các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp BĐS vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại nhiều địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định…
Bên cạnh đó, tại một số địa phương đã và đang xảy ra tình trạng: Doanh nghiệp triển khai kinh doanh BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai trái quy định; phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế – xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Mặt khác, một số địa phương xảy ra trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, BĐS).
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thị trường BĐS theo quy định tại Điều 78 của Luật Kinh doanh BĐS 2014, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản trên địa bàn; đồng thời, tổng hợp thông tin, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng “bóng bóng” BĐS.
Các nhà đầu tư, nhà môi giới sau thời gian dịch bệnh kéo dài, với tâm lý trở lại “phục thù” thị trường, họ đã tạo ra những đợt “sóng” để đẩy giá đất lên cao. Các chủ đầu tư thì tung tin đã bán hết các khu dự án, các nhà môi giới thì tung tin dự án bán rất chạy… nhưng đây không phải là “sốt” thật.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh nếu để tình trạng sốt ảo giá đất cục bộ như vừa qua xảy ra cũng sẽ làm méo mó thị trường và tiềm ẩn nguy cơ. Đối với các nhà đầu tư, trong bối cảnh liên tục diễn ra các đợt sốt “ảo” như hiện nay, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường và người dân nên chỉ nên mua các sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý, đặc biệt cần lưu ý là không nên mua giấy cọc sang tay, không mua tài sản không chính chủ hoặc không được ủy quyền.
Tổng Hợp