Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2022 kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng chỉ sau thời gian ngắn phục hồi sau đại dịch cho thấy sự cố gắng lớn của khu vực doanh nghiệp và điều hành…
Điều này có thể là cơ sở, bài học cho năm 2023 và những năm tiếp theo, khi các mục tiêu lớn hơn và thách thức cũng lớn hơn từ trong và ngoài nước. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, động lực giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là giải ngân đầu tư công tăng do nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn được triển khai, trong đó là dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam. Ngoài ra, lực đẩy của dòng vốn FDI, trong đó có các đại dự án lớn hàng trăm đến hàng tỷ USD từ năm 2022 đã trở thành động lực giúp…
Theo số liệu và phân tích của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2011-2022 là hội tụ của nhiều yếu tố nền tảng, trong đó sự ổn định kinh tế vĩ mô, các gói hỗ trợ và gia hạn về thuế phí, bên cạnh đó là gói hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi góp phần giúp nền kinh tế ổn định, hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.
Ngoài ra, yếu tố tăng trưởng các nhóm ngành nông, lâm thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng góp phần giúp kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự kiến cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5-9%).
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%). Việc tiêu dùng và bán lẻ tăng nhanh đã khiến cho nền kinh tế sớm phục hồi, sản xuất tăng trở lại.
Về giải ngân vốn đầu tư, theo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), năm 2022, số vốn giải ngân tại Việt Nam ước đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng cao nhất trong mấy năm trở lại đây, với hàng loạt dự án lớn cấp mới hoặc tăng vốn như của Lego, Samsung hay Intel.
Việc tăng vốn FDI, và sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp đã giúp tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam cao kỷ lục. Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021 và nền kinh tế xuất siêu hơn 11 tỷ USD.
Nguyên nhân cuối cùng khiến tăng trưởng của Việt Nam cao kỷ lục trong một thập kỷ qua là do tăng trưởng GDP 2021 quá thấp (thấp nhất từ trước đến nay – 2,6%) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 . Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê khẳng định: Ngoài những nguyên nhân về các gói chính sách ưu đãi về thuế phí giúp doanh nghiệp phục hồi sớm, sự trỗi dậy của doanh nghiệp sau đại dịch và sức tiêu thụ hàng hoá cao, tăng trưởng năm 2022 cao do tăng trưởng năm 2021 ở mức thấp, chính vì vậy, khi quy mô GDP tăng cao, kéo theo sức tăng trưởng của nền kinh tế cao.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Tăng trưởng GDP năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực do nỗ lực nhiều của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ rất thách thức bởi nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như thanh khoản bất động sản, thị trường vốn khó khăn, lãi suất tăng cao và đặc biệt là doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Tăng trưởng dự báo năm 2023 là 6,5% trên nền tăng trưởng 8,1% (khoảng 409 tỷ USD) là rất thách thức.
Theo vị chuyên gia này, để quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt trên 430 tỷ USD năm 2023, tương ứng mức tăng 6,5% sẽ cần hội đủ yếu tố, từ giải ngân đầu tư công, xuất khẩu và đặc biệt là tính thanh khoản của thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản, trong khi đó 3/4 thị trường này hiện nay đang bị khó khăn.
Theo ông Lê Trung Hiếu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm 2023 nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trong đó, kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động, thách thức phức tạp khó lường điều này sẽ tác động đến kinh tế nước ta. Nhu cầu mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm do lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có nguy cơ rơi vào suy thoái ngắn hạn.
Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm lại sẽ làm cho tăng trưởng chung giảm. Thị trường xuất khẩu thu hẹp dần do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu… Hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gia tăng.
PGS.TS Phạm Thế Anh – trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua đã tăng trưởng rất ấn tượng, GDP tăng bình quân khoảng 6,6%.
Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam luôn duy trì được việc kiểm soát lạm phát ở 1 con số. Đầu tư nước ngoài liên tục tăng, hoạt động thương mại liên tục mở rộng.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP Việt Nam đang có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây. Nguyên nhân, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, do hậu quả của các chính sách vĩ mô yếu kém thời kỳ trước đó, ảnh hưởng của môi trường quốc tế bất lợi, tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đang đạt đến giới hạn và tác động của đại dịch Covid-19.
Tổng Hợp
(Dân Việt)